Doanh nghiệp

Công nghiệp ô tô - Bài 2: Khát vọng không thành

Trần Thuỷ 31/07/2023 - 05:34

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dù đã đặt ra chiến lược phát triển từ 20 năm trước, nhưng cho tới nay mọi thứ vẫn như thế. Đây thực sự là một câu chuyện buồn.

Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Câu chuyện buồn

Vào cuối năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” trong đó có đặt ra mục tiêu cụ thể: Với loại xe phổ thông: đáp ứng 40 - 50% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 40% vào năm 2005; đáp ứng trên 80% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá 60% vào năm 2010 (riêng động cơ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hoá 50% và hộp số đạt 90%).

Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thành công. Cho đến cuối năm 2016, Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô chỉ đạt bình quân khoảng 7%-10%. Ngay cả tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp hàng đầu vẫn thấp hơn mục tiêu. Chẳng hạn như Trường Hải (Thaco) đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% (đối với riêng dòng xe Innova)…

vvv

Tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp. Trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra”.

Mong muốn có được những chiếc xe với giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân không đạt được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao hàng đầu thế giới, cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Vào giữa năm 2014, Thủ tướng Chính phủ lại phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với định hướng: “xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới”.

Mục tiêu cụ thể được nêu ra là: đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, tính đến năm 2020, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành công nghiệp ô tô: phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, cũng đã không đạt được.

Mọi thứ vẫn thế

Đến nay Việt Nam mới chỉ có hơn 400 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, trong đó có một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. So với các quốc gia trong khu vực, con số này rất khiêm tốn. Nếu nhìn sang quốc gia trong khu vực như Thái Lan, có gần 2.500 doanh nghiệp tham gia, trong đó có khoảng 700 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện cũng mới sản xuất, gia công được khoảng 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe có khoảng 20.000 - 30.000 chi tiết linh kiện. Các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu.

ccc

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết: trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó.

Cũng theo ông Tuất, dự kiến đến hết năm 2023, chỉ có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số kể trên được đánh giá quá ít để thúc đẩy nền công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Với thực trạng trên, đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ có đóng góp rất nhỏ, khoảng 3% vào GDP. Trong khi tỷ lệ này tại một số nước trong khu vực ASEAN là 10%.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI ) nhận định: ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dù đã đặt ra chiến lược phát triển từ 20 năm trước, nhưng cho tới nay mọi thứ vẫn như thế. Đây thực sự là một câu chuyện buồn.

(Còn tiếp)

Toyota cam kết hỗ trợ Vĩnh Phúc với triết lý 'phát triển con người trước khi sản xuất ô tô'

Ô tô Malaysia ‘đổ bộ’ Việt Nam, đối đầu Honda HR-V, Mitsubishi Xforce và Toyota Corolla Cross

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cong-nghiep-o-to-bai-2-khat-vong-khong-thanh-248286.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Công nghiệp ô tô - Bài 2: Khát vọng không thành
    POWERED BY ONECMS & INTECH