Công ty chậm đóng BHYT, chi phí khám chữa bệnh của người lao động có được hoàn trả?
Việc chậm đóng BHXH, BHYT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn gây ra những hệ lụy pháp lý cho doanh nghiệp.
Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH ) và bảo hiểm y tế (BHYT ) cho người lao động. Việc chậm đóng BHXH, BHYT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là các chế độ bảo hiểm khi ốm đau, thai sản, hoặc khi nghỉ hưu, mà còn gây ra những hệ lụy pháp lý cho doanh nghiệp.
Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp có thể bị xử phạt và phải hoàn trả các khoản thiệt hại nếu người lao động không được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm do việc chậm đóng này.
Dựa trên khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13), nếu công ty không thực hiện đúng trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc đóng không đầy đủ theo quy định, công ty sẽ phải chịu các hình thức xử lý sau đây:
(i) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
(ii) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Như vậy, khi chậm đóng BHYT, công ty phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí khám chữa bệnh mà người lao động đã chi trả trong khoảng thời gian chưa được cấp thẻ BHYT.
Chậm đóng BHYT bị phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 và khoản 2 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chậm đóng BHYT có thể bị phạt theo một trong các mức sau đây:
(i) Từ 01 - 03 triệu đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động.
(ii) Từ 03 - 05 triệu đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động.
(iii) Từ 5 - 10 triệu đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động.
(iv) Từ 10 - 20 triệu đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động.
(v) Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động.
(vi) Từ 30 - 40 triệu đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm chậm đóng BHYT, mức phạt sẽ gấp đôi so với mức phạt đã nêu.
Người sử dụng lao động nếu chậm đóng BHYT, ngoài việc bị xử phạt tiền theo quy định, còn phải hoàn trả lại số tiền mà người tham gia BHYT đã chịu thiệt hại (nếu có). Nếu không thể hoàn trả cho người lao động, số tiền này phải được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các khoản lợi nhuận bất hợp pháp có được từ hành vi này phải được nộp vào tài khoản thu của quỹ BHYT (theo khoản 5 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Chi tiết mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động từ 1/7/2024 
Có chính sách hỗ trợ mua BHYT cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không?