CTCK đầu tiên 'cài số lùi' mục tiêu kinh doanh năm 2025, vì giảm kỳ vọng vào 'siêu cổ phiếu' đang nắm giữ?
Chứng khoán FPT đặt mục tiêu kinh doanh 2025 đi lùi với doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm lần lượt 1% và 3% so với năm 2024. Khoản đầu tư vào MSH đã cho mức lợi nhuận 36 lần sau khoảng 13 năm.
Ngày 5/2, CTCP Chứng khoán FPT (HoSE: FTS ) thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hoạt động (bao gồm doanh thu tài chính) đạt 1.006 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu đi lùi với tổng doanh thu hoạt động (bao gồm doanh thu tài chính) là 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 3% so với thực hiện năm 2024.
FTS sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/2 tới đây và tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 1/4. Cuộc họp sẽ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, thù lao HĐQT...
Trước đó, FTS đã trải qua năm 2024 tương đối khả quan. Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy doanh nghiệp lãi sau thuế 159,5 tỷ đồng, tăng 280% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2024, FTS lãi sau thuế 567,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Sự tích cực đến từ khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH mà FTS đang nắm giữ, với giá trị 499 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024. Trong năm 2024, MSH đã tăng 53,5%, trở thành khoản đầu tư thành công nhất của FTS, với mức lãi hiện tại đạt 36 lần (giá vốn 13,5 tỷ đồng) sau khoảng 13 năm đầu tư.
![]() |
FTS lãi 36 lần với cổ phiếu MSH |
Lãi từ cho vay margin đạt 589 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu môi giới sụt giảm 16%, còn 250 tỷ đồng, hòa cùng xu hướng chung của các công ty chứng khoán hiện nay khi thực hiện giảm phí để thu hút nhà đầu tư.
FTS không nằm trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HoSE năm 2024. Tuy nhiên, trong quý IV/2024, công ty đã lọt vào Top 10 với 2,84% thị phần.
Tại thời điểm 31/12/2024, quy mô tài sản của FTS đạt 9.759,6 tỷ đồng, tăng 1.524,9 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản chủ yếu nằm ở khoản mục cho vay margin, đạt 7.068,1 tỷ đồng, tăng 1.674 tỷ đồng so với đầu năm. Tiếp đến là danh mục tự doanh (FVTPL) với giá trị 1.914 tỷ đồng, tập trung vào tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và cổ phiếu MSH.
Về nguồn vốn, nợ phải trả đạt 5.641,6 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 4.118 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu hiện ở mức 1,7 lần.
>> Chứng khoán FPT (FTS) lãi ròng 160 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng 280% so với cùng kỳ