Cứ 2 doanh nghiệp FDI thì có 1 doanh nghiệp báo lỗ, tổng số nợ phải trả gần 5,8 triệu tỷ đồng
Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2023, với tổng số lỗ hơn 217.400 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề xuất thanh tra để làm rõ nguyên nhân.
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm tài chính 2023, cho thấy tình trạng thua lỗ gia tăng đáng kể.
Cụ thể, có gần 16.300 doanh nghiệp FDI báo lỗ với tổng số lỗ lên tới hơn 217.400 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đề xuất tăng cường thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân.
Trong số 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính, có tới 16.292 doanh nghiệp báo lỗ, tức trung bình cứ hai doanh nghiệp FDI thì có hơn một doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế cũng tăng 15%, lên hơn 18.100 doanh nghiệp.
Tổng số lỗ của khối FDI trong năm 2023 đạt 217.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, trong khi lỗ lũy kế lên tới hơn 908.200 tỷ đồng, tăng 20%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp FDI báo lỗ mất vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh, lên 5.091 doanh nghiệp, với giá trị âm vốn chủ sở hữu lên đến 241.560 tỷ đồng.
Bất chấp tình trạng báo lỗ, tổng doanh thu của doanh nghiệp FDI trong năm 2023 vẫn đạt hơn 9,4 triệu tỷ đồng, nhưng giảm hơn 426.900 tỷ đồng so với năm 2022. Các địa phương có doanh thu FDI lớn nhất gồm TP.HCM (1,4 triệu tỷ đồng), Bắc Ninh (1,2 triệu tỷ đồng), Đồng Nai (749.000 tỷ đồng), Bình Dương (731.000 tỷ đồng) và Hải Phòng (693.000 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế của khối FDI đạt 411.700 tỷ đồng, giảm khoảng 68.300 tỷ đồng so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm gần 63.000 tỷ đồng, chỉ còn khoảng 377.000 tỷ đồng.
![]() |
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Internet) |
Tổng tài sản của 28.918 doanh nghiệp FDI trong năm 2023 đạt gần 9,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,8%. Vốn chủ sở hữu đạt khoảng 4,19 triệu tỷ đồng, tăng 5,5%. Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả lên tới 5,76 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%, nâng hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên 1,38 lần.
Một số ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao là tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (3,7 lần), thông tin - truyền thông (hơn 3 lần), sản xuất - phân phối điện, khí đốt (2,6 lần) và bán buôn - bán lẻ (2,2 lần).
Số thu nội địa từ doanh nghiệp FDI trong năm 2023 đạt gần 238.800 tỷ đồng, giảm 4.600 tỷ đồng so với năm trước. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 120.400 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 62.100 tỷ đồng và thuế tiêu thụ đặc biệt 50.800 tỷ đồng.
Dù nợ phải trả lớn, Bộ Tài chính đánh giá, về tổng thể, các doanh nghiệp FDI vẫn đảm bảo khả năng thanh toán. Tuy nhiên, tình trạng báo lỗ kéo dài và gia tăng là vấn đề đáng quan ngại, cần có biện pháp thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân và hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
>> Thủ tướng trình Quốc hội cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV