Cử tri TP Thủ Đức đề nghị xem lại giá bồi thường quá thấp của dự án Vành đai 3
Cử tri TP Thủ Đức phản ánh, trên cùng một tuyến đường nhưng giá bồi thường tại Bình Dương cao gấp 3 lần so với phía Thủ Đức khi thực hiện dự án Vành đai 3.
Sáng 3/12, đơn vị số 1 của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Minh Thắng (phường Trường Thạnh) cho biết, ông có khu đất 3.300m2 nằm ngay mặt đường Nguyễn Xiển và đã xây nhà nhiều năm qua.
Khi thực hiện dự án Vành đai 3, giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng dao động từ 5,8-7,6 triệu đồng/m2. Theo đó, ông Thắng được bồi thường 23 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá đất mặt tiền tại khu vực này giao dịch ở mức trên dưới 70 triệu đồng/m2. Nếu bán đi, ông Thắng sẽ nhận được 100 tỷ đồng.
Ông Thắng bày tỏ đồng tình với chủ trương thực hiện dự án, nhưng khó có thể chấp nhận với mức bồi thường mà chính quyền đưa ra.
“Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu đồng/m2, trong khi phía TP.HCM chỉ là 7,6 triệu đồng/m2, mức chênh lệch quá lớn”, cử tri Thắng nói.
Từ đó, cử tri Thắng đề nghị tổ ĐBQH phản ánh sự việc tới chính quyền TP.HCM để xem xét lại giá đền bù.
Cử tri Bùi Thanh Tuấn cho biết, ông đã thuê đơn vị thẩm định độc lập (có tư cách pháp nhân) thì giá được thẩm định là 33 triệu/m2. Trong khi đó, giá thẩm định mà Ban bồi thường dự án Vành đai 3 (địa bàn Thủ Đức) đưa ra chỉ 7,6 triệu/m2 là quá chênh lệch.
Nhiều cử tri khác cũng cho rằng, cùng dự án nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp tại Bình Dương cao gấp 3 lần phía TP.HCM.
Cũng tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Tám (đại diện cho 34 hộ dân) nêu ý kiến về quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo bà Tám, các hộ dân đã có hơn 27 năm đi khiếu kiện, nhiều lần được Trung ương, chính quyền TP.HCM hứa giải quyết dứt điểm nhưng đến nay chưa thấy gì. Bà Tám đề nghị tổ ĐBQH quan tâm, phản ánh kiến nghị của người dân tới các cơ quan liên quan và giám sát theo dõi hướng xử lý.
Công tác bồi thường là điểm nghẽn lớn nhất
Trao đổi với cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, ông ghi nhận các ý kiến phản ánh về giá bồi thường liên quan dự án Vành đai 3 và sẽ gửi đến Hội đồng thẩm định của thành phố.
Theo ông Phùng, hầu hết các dự án chậm tiến độ là do vướng công tác giải phóng mặt bằng (chiếm hơn 90%). Nếu khoảng cách giữa người dân với chính quyền tiệm cận nhau trong công tác bồi thường thì công trình sẽ thực hiện nhanh hơn và ngược lại.
“Khi tôi về TP Thủ Đức công tác thì đây là điểm nghẽn lớn nhất”, ông Phùng thừa nhận vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phùng, trước đây Sở TN-MT là đơn vị được giao lập Hội đồng thẩm định giá đất. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua, việc thẩm định giá đất được giao về cho TP Thủ Đức.
“Vì vậy, các ý kiến cử tri nêu về dự án Vành đai 3 tôi sẽ ghi nhận, chuyển lên Hội đồng thẩm định TP Thủ Đức xem xét”, ông Phùng cam kết.
Trao đổi thêm với cử tri, ĐBQH Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri ông đều ghi nhận ý kiến phản ánh về giá bồi thường liên quan dự án Vành đai 3 và đã chuyển đến chính quyền TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Quân đề nghị các cử tri cần gửi đơn kiến nghị cụ thể hơn để tổ ĐBQH tiếp nhận, chuyển đơn đến chính quyền TP.HCM, đồng thời sẽ theo dõi, giám sát hướng xử lý.
Về phản ánh của cử tri liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Vũ Hải Quân cho hay, hầu hết ai cũng biết vụ việc này, ngay cả nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng từng tiếp xúc và lắng nghe bà con.
“Tôi nói vậy là để nói với bà con Thủ Thiêm là Đảng, Nhà nước đều nắm và lắng nghe phản ánh của người dân. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là hướng xử lý thế nào cho phù hợp”, ông Quân nói.
Ông cũng cho biết, trong vụ việc này phải có người nhận trách nhiệm, phải xử lý quyết liệt, hợp tình hợp lý cho bà con.
Với vai trò ĐBQH, ông Quân cam kết sẽ gửi các kiến nghị của cử tri cho người có trách nhiệm, đồng thời giám sát, theo dõi hướng xử lý các kiến nghị của bà con.