Nắm lượng tiền mặt lớn, Masan tự tin thực hiện các kế hoạch phát triển chiến lược, nhắm mục tiêu doanh thu thuần từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng năm 2024.
Nắm trong tay 1 tỷ USD tiền mặt, sắp nhận hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của tập đoàn Masan (HOSE: MSN), doanh nghiệp này hiện có khoảng gần 17.000 tỷ đồng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, thuộc top 20 công ty có lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng gần 7.000 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital, nâng tổng số tiền nắm giữ lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Dòng tiền tự do (FCF) của Masan đã cải thiện lên 7.454 tỷ đồng trong năm 2023, tăng đáng kể so với 887 tỷ đồng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), mã chứng khoán TCB  vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (HĐCĐ) thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 20/4 tới, tại Hà Nội. Theo đó, tài liệu ĐHCĐ lần này của Techcombank có đề cập đến phương án trả cổ tức, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt.
Hiện Masan đang sở hữu 19,9% lợi ích tại TCB và với mức chi trả cổ tức này, Masan có thể nhận về hơn 1.000 tỷ đồng “tiền tươi” từ TCB. Số tiền này sẽ giúp thanh khoản Masan thêm dồi dào, giảm chi phí lãi vay và tối ưu bảng cân đối kế toán.
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên, thị trường tiêu dùng phục hồi, đây có thể coi là một khoản “của đề dành” của Masan để hướng tới sự phát triển đột phá trong năm 2024.
Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi tăng trưởng
Theo báo cáo tài chính  năm 2023, mảng kinh doanh tiêu dùng của Masan bao gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh tăng trưởng ở mức 40,1% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận kỷ lục của MCH và khả năng sinh lời vững bền của WCM.
Theo đó, mảng hàng tiêu dùng có thương hiệu của MCH ghi nhận 29.066 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.431 tỷ đồng EBITDA (Thu nhập trước thuế, lãi vay, và khấu hao) trong năm 2023. Biên lợi nhuận gộp vượt đỉnh lịch sử, tăng trưởng mạnh lên mức 44,9% trong năm 2023, tăng đáng kể so với mức 40,1% trong năm 2022 trên cơ sở LFL, nhờ cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thương hiệu mạnh, giá nguyên liệu đầu vào thấp và vận hành sản xuất  hiệu quả.
Bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức, sau khi đạt mức hòa vốn EBIT trong quý III/2023 (lần đầu tiên sau giai đoạn Covid-19), WCM vẫn gặt hái lợi nhuận trong quý IV/2023 với EBIT tăng nhẹ trên toàn mạng lưới và biên EBITDA được cải thiện lên 3,2%, tăng liên tục 4 quý liên tiếp kể từ đầu năm. Doanh thu của WCM đạt 30.054 tỷ đồng trong năm 2023 và 7.653 tỷ đồng trong quý IV/ 2023, tăng lần lượt 2,3% và 3,0% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tác động tích cực của việc mở cửa hàng mới, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng được chuyển đổi và thành công trong việc nâng cấp mô hình cửa hàng.
Xuyên suốt năm 2023, WCM có tổng cộng 1.615 cửa hàng được nâng cấp, chiếm 46% mạng lưới cửa hàng tiện lợi, đã chứng tỏ khả năng phục hồi và hiệu quả vượt trội. Điều này mang lại niềm tin cho ban lãnh đạo về đà tăng trưởng được tiếp diễn trong năm 2024.
Đối với mảng thịt có thương hiệu, MML đã thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống  thông qua chương trình giá độc quyền cho hội viên WIN. Chương trình này giúp doanh số hàng ngày tại mỗi điểm bán WCM tăng bền vững 33% từ tháng 1 đến cuối năm 2023. Đây cũng là một trong những nỗ lực của doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Năm 2024, Masan dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
(Nguồn: Masan)