Cung đèo 33km nối hai thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam sạt lở nghiêm trọng, đề nghị công bố tình huống khẩn cấp
Trước đó, mưa lớn kéo dài đã khiến cung đèo này xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến hơn 50.000m3 đất, đá tràn xuống lòng đường.
Sáng nay, ngày 18/12, Khu Quản lý Đường bộ III đã đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải  để công bố Quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến Quốc lộ 27C, đoạn đèo Khánh Lê  nối tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Động thái này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại, đồng thời khôi phục lại hoạt động giao thông và sửa chữa một phần công trình theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngành chức năng cũng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Trước đó, mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở nghiêm trọng  trên đèo Khánh Lê (thuộc Quốc lộ 27C, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) khiến hơn 50.000m3 đất đá tràn xuống lòng đường. Hiện tại, thời tiết khu vực đèo đang có mưa và sương mù dày đặc, cùng với dòng nước mạnh từ các khe suối khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Tính đến nay, 9 vị trí sạt lở đã được thông xe. Tuy nhiên, hai đoạn còn lại, với khối lượng đất đá sạt lở từ 2.000-2.700m3, vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.
Đặc biệt, đoạn qua xã Sơn Thái bị đất đá tràn lấp toàn bộ mặt đường, kéo dài hơn 300m, trong đó có tảng đá khổng lồ nặng 450 tấn, cao 6m, chắn ngang đường. Công tác phá đá bằng phương pháp nổ mìn đã được triển khai từ tối ngày 16/12. Tuy nhiên, đơn vị thi công lại tiếp tục phát hiện nhiều tảng đá lớn nên phải tiếp tục phá đá.
Ngoài ra, đường cứu nạn tại khu vực cũng bị đất đá vùi lấp, hệ thống hộ lan và rãnh thoát nước dọc tuyến gần khu vực sạt lở hư hỏng hoàn toàn. Trên Quốc lộ 27C còn xuất hiện hai vị trí nứt mặt đường nhựa, với một đoạn nứt rộng 3cm, dài 28m; đoạn còn lại rộng khoảng 20cm.
Để đẩy nhanh tiến độ, Khu Quản lý Đường bộ III đã yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng sớm thực hiện phá đá, đồng thời tăng cường thiết bị để dọn dẹp đất đá sạt lở. Hiện trường đang có 30 thiết bị thi công, bao gồm máy đào, máy ủi, máy xúc lật và xe vận chuyển, hoạt động liên tục 24/24h, với hai mũi thi công chính. Dự kiến, một làn đường qua đèo Khánh Lê sẽ được thông xe trong ngày 18/12.
Theo Nghị định 66/2021, tình huống khẩn cấp về thiên tai (gồm 5 cấp độ) là sự cố ảnh hưởng công trình, dự án lớn, tính mạng... cần sớm huy động nguồn lực để ngăn chặn, khắc phục. Chủ tịch tỉnh có thẩm quyền công bố thiên tai ở địa bàn. Bộ trưởng ban bố tình huống khẩn cấp với công trình thuộc phạm vi quản lý. Khi thiên tai nghiêm trọng, vượt quá khả năng ứng phó của bộ ngành, địa phương, Thủ tướng sẽ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp.
Đèo Khánh Lê còn được gọi là đèo Khánh Vĩnh, đèo Bi Doup hay đèo Hòn Giao, nối liền tỉnh lộ 723 tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) và tỉnh lộ 652 tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Đây là con đèo quan trọng kết nối hai thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Với chiều dài 33km, đèo Khánh Lê thuộc sườn Đông của dãy Trường Sơn Nam, nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông và đe dọa an toàn người dân.
Sườn núi nứt dài 60m, Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai 
Quảng Bình công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi đá tại Phong Nha