Cung đường đèo hiểm trở thơ mộng bậc nhất Việt Nam sạt lở do mưa lớn
Mưa lớn kéo dài khiến cung đường vốn có nhiều khúc cua nguy hiểm, địa chất phức tạp, sạt lở với nhiều mức độ khác nhau.
Ngày 22/7, tại đoạn tiếp giáp đèo dẫn vào tổ dân phố 18, phường 3, taluy dương dài khoảng 20m và cao 10m đã bị sạt lở , khiến đất đá rơi xuống bên dưới. Dọc theo đèo Prenn , nhiều vị trí cũng bị lở ở các mức độ khác nhau. Ở những nơi đất đá tràn xuống đường, cơ quan chức năng đã tiến hành dọn dẹp; một vài nơi đất đá đã đổ xuống làm tắc mương thoát nước mép đường.
Theo Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, trên tuyến đường này có một số vị trí taluy dương cao 2-3 m được đào đắp, nhưng chưa được xây tường chắn. Những nơi này có địa chất đất đá không liền khối và rời rạc, rất dễ xảy ra sạt trượt khi ngấm nước do mưa kéo dài.
Sở đề nghị Ban quản lý dự án giao thông tỉnh (chủ đầu tư) nghiên cứu xây kè, tường chắn bê tông hoặc rào lưới chắn để giảm nguy cơ đất đá lăn xuống đèo. Ngoài ra, chủ đầu tư được yêu cầu dọn dẹp đất đá sạt trượt từ taluy dương làm tắc nghẽn mương dọc; khơi thông để tránh ngập úng và nước chảy ra mặt đường, cũng như thường xuyên kiểm tra tuyến đường để kịp thời phát hiện và khắc phục hư hỏng.
Đèo Prenn có địa hình đồi núi cao với nhiều khúc cua nguy hiểm. Đường qua Đèo Prenn hiện tại dài 7,4km, là tuyến đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt. Tháng 2/2023, đường qua đèo đã được đầu tư 552 tỷ đồng để mở rộng gấp đôi với 4 làn ô tô, vận tốc thiết kế là 60 km/h. Dọc theo đường đèo có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, vì vậy vào các dịp lễ và cuối tuần, lưu lượng xe rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Khu rừng mọc ngược từ đáy hồ sâu 30m được 'kiến tạo' từ vụ sạt lở phá hủy 700 ngôi nhà 
Sạt lở ăn sâu vào cột trụ cây cầu nối Hà Nội với Phú Thọ