Câu chuyện đầu tư

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?

Thu Huyền 17/02/2025 07:07

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, đặc biệt khi Mỹ siết chặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Giữa bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng, khi sở hữu trữ lượng khoáng sản dồi dào.

Chính sách thuế quan căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong giai đoạn đầu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ sản xuất nội địa.

Sau đó, mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden có phần mềm mỏng hơn trong đàm phán, nhưng chính sách áp thuế và kiểm soát chặt chẽ vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt là với các mặt hàng liên quan đến khoáng sản quan trọng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (Ảnh minh họa)

Trong năm 2024, Mỹ công bố kế hoạch tăng thuế đối với kim loại đất hiếm, lithium, nhôm và các loại khoáng sản chiến lược nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một bước đi chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc – quốc gia đang kiểm soát tới 90% công suất tinh chế đất hiếm trên toàn cầu (theo số liệu năm 2024 từ Nikkei Asia).

Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng không ngồi yên khi quyết định hạn chế xuất khẩu gallium và germanium – 2 kim loại quan trọng trong ngành bán dẫn và năng lượng tái tạo. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một chuỗi cung ứng khoáng sản bị gián đoạn trên toàn cầu, đẩy giá nhiều loại kim loại quan trọng lên cao.

Tới đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức phát động "cuộc chiến thương mại" thông qua việc áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc cũng chính thức áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 14 tỷ USD của Mỹ từ ngày 10/2.

Mỹ không chỉ tăng thuế đối với khoáng sản Trung Quốc mà còn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác để đa dạng hóa nguồn cung. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nước có trữ lượng khoáng sản dồi dào như Việt Nam, Australia, Canada và một số quốc gia châu Phi.

Những cơ hội cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam

Trước những biến động về chính sách thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Tesla, General Motors, Intel và nhiều công ty sản xuất pin tái tạo đang tích cực tìm kiếm nguồn cung khoáng sản ổn định ngoài Trung Quốc (chiến lược Trung Quốc +1).

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?
Với chiến lược Trung Quốc +1, các nước ĐNÁ đang là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam (Ảnh: Sourceofasia.com)

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là bauxite, titan, đất hiếm, đồng và vonfram. Với vị trí địa lý thuận lợi, khi Mỹ siết chặt nhập khẩu khoáng sản từ Trung Quốc, các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng để mở rộng xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP và RCEP, doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam không chỉ có lợi thế về thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang Mỹ, mà còn dễ dàng tiếp cận các thị trường châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc – những quốc gia đang cần nguồn cung khoáng sản ổn định.

Mặt khác, dù sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý giá, nhưng ngành khoáng sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Nếu doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh vào chế biến sâu thì có thể tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường Mỹ và châu Âu.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao năng lực chế biến khoáng sản, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngày 21/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp ông Benjamin Gallezot, Đại diện liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp. Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam mới điều tra một số khu vực cho khoáng sản và kim loại chiến lược, cần tiếp tục đánh giá sâu về trữ lượng cũng như tính toán lộ trình khai thác, chế biến sâu khi lựa chọn và tiếp nhận công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng đề nghị Liên bộ về cung ứng Khoáng sản và Kim loại chiến lược Pháp cần làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác của Việt Nam để kết nối, triển khai thí điểm một dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của chuỗi giá trị khai thác, chế biến sâu, cung ứng các sản phẩm khoáng sản và kim loại chiến lược, trước hết cho thị trường Việt Nam và Pháp.

Doanh nghiệp khoáng sản niêm yết nào sẽ được hưởng lợi?

Trong bối cảnh Mỹ siết chặt thuế quan với Trung Quốc và tìm kiếm nguồn cung thay thế, một số doanh nghiệp khoáng sản niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có cơ hội lớn để mở rộng thị trường và gia tăng lợi nhuận.

Những doanh nghiệp có trữ lượng khai thác lớn và nắm giữ quyền khai thác các mỏ khoáng sản quan trọng như đất hiếm, titan, bauxite và vonfram sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Các công ty như Masan High-Tech Materials (MHT), Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (KSV),... hiện đang sở hữu những mỏ khoáng sản có giá trị cao và tiềm năng xuất khẩu lớn.

Tại cuộc họp nhà đầu tư ngày 7/2 vừa qua, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN - công ty mẹ của MHT) đánh giá, những tác động từ quyết định hạn chế xuất khẩu khoáng sản của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ giúp Masan High-Tech Materials được hưởng lợi.

Thực tế, trong 2 tháng gần đây, hàng loạt cổ phiếu khoáng sản trên thị trường chứng khoán đã ghi nhận đà tăng mạnh như KSV (+173%), MSR (+64%), KCB (+121%), MTA (+139%), HGM (+63%), BKC (+282%)… Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu này được cho là nhờ những quyết định quan trọng đến từ phía Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?
Các cổ phiếu khoáng sản liên tục tăng mạnh và phá đỉnh lịch sử (Ảnh: Tổng hợp)

Cụ thể, Trung Quốc đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu toàn diện vào Mỹ nhằm vào năm kim loại được sử dụng trong các ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp khác. Trong đó, vonfram dẫn đầu trong năm nhóm kim loại bị hạn chế xuất khẩu, tiếp theo là indium, bismuth, tellurium, molybdenum.

Động thái này được công bố ngay sau khi Mỹ chính thức áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 4/2/2025. Trung Quốc cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Những khoáng sản này đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt lĩnh vực công nghệ cao, quốc phòng, hàng không, năng lượng tái tạo...

Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vonfram thống trị toàn cầu, chiếm hơn 80% tổng sản lượng thế giới vào năm 2023. Mặc dù nhập khẩu vonfram từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh, từ 19,5 triệu USD trong năm 2022 xuống còn 10,9 triệu USD vào năm 2023, nhưng việc siết chặt xuất khẩu vonfram "trả đũa" Mỹ khiến thị trường kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho vonfram từ Việt Nam.

Tại Việt Nam, Masan High-Tech Materials hiện nắm giữ mỏ Núi Pháo - mỏ vonfram lớn thứ 2 thế giới (ngoài Trung Quốc), chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu công nghệ cao toàn cầu. Mỏ Núi Pháo được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty con do Masan High-Tech Materials sở hữu 100%.

>> Ông lớn khoáng sản chốt kế hoạch bán 42.000 tấn đồng, hé lộ chiến lược khai thác mỏ kim loại lớn nhất thế giới

Doanh nghiệp thép Việt Nam đón tin vui trước lệnh áp thuế 25% từ Mỹ

Xuất khẩu thép Việt Nam đối mặt rào cản thuế mới tại Mỹ: Hòa Phát ‘thoát hiểm’ nhờ xoay trục chiến lược, nhóm tôn mạ chật vật ứng phó

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-buoc-sang-giai-doan-moi-co-hoi-vang-cho-doanh-nghiep-khoang-san-viet-nam-276699.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH