Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cơ hội và rủi ro với Việt Nam
Mỹ áp thêm thuế một số mặt hàng như ô tô điện, chip, chất bán dẫn, pin lithium… đồng thời giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD hàng Trung Quốc trước đó.
Mỹ đang cân nhắc việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ kiểm soát gắt gao hơn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đến từ Việt Nam.
Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc
Ngày 14/5, Nhà Trắng ra thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tăng mạnh thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.
Thuế đối với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời được nâng từ 25% lên 50%. Thuế đối với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ được nâng từ 0% lên 25%... Tổng cộng các biện pháp đánh thuế mới sẽ tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Biden cũng giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm - ông Donald Trump - đưa ra trước đó.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ năm 2018. Tuy nhiên, hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ vẫn áp đảo. Trong năm 2023, Mỹ nhập 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi xuất 148 tỷ USD hàng hóa vào thị trường này.
Nhà Trắng cho biết, quyết định (áp thuế thêm) được đưa ra do "những rủi ro không thể chấp nhận" đối với an ninh kinh tế Mỹ vì những gì nước này coi là "hành vi không công bằng của Trung Quốc".
Gần đây, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ Sherrod Brownn thậm chí muốn ông Biden cấm hoàn toàn xe điện của Trung Quốc do lo ngại chúng "gây rủi ro cho dữ liệu cá nhân của người Mỹ".
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung  bắt đầu từ năm 2018 và sau đó lan rộng thành cuộc chiến công nghệ, tài chính - tiền tệ, chiến tranh dư luận… Căng thẳng giữa 2 cường quốc về kinh tế có thể còn leo thang. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền năm 2017, Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1” và thực thi những chính sách cứng rắn đối với nước này.
Theo Washington Post, ông Trump ấp ủ đòn kinh tế "khủng" nhằm vào Trung Quốc, với khả năng áp thuế 60% lên toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Tiềm lực kinh tế của Mỹ và Trung đều rất mạnh, có thể nói ở nhiều lĩnh vực đã tương đối ngang ngửa nhau, trong khi ý thức hệ và mô hình phát triển khá khác biệt. Điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến về kinh tế khốc liệt. Rất có thể một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ nổ ra. Kinh tế thế giới có thể chứng kiến sự phân mảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu thêm sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Kinh tế thế giới phân mảnh, Việt Nam ra sao?
Hiện kinh tế Trung Quốc gặp khó vì sức cầu trong nước thấp, khủng hoảng bất động sản kéo dài... Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề hậu Covid và nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế của Bắc Kinh. Về dài hạn, kinh tế Trung Quốc vẫn được xem là một thế lực hàng đầu, với thị trường tỷ dân rộng lớn, sản xuất ngày càng phát triển, hàng hóa giá thấp có khả năng cạnh tranh cao, có rất nhiều tập đoàn lớn mạnh vươn ra thế giới…
Đơn cử như BYD, tập đoàn xe điện Trung Quốc chính thức dẫn đầu doanh số trên toàn cầu, vượt qua Tesla của tỷ phú Elon Musk. Sau 2 thập kỷ phát triển, BYD không những không lụi tàn ở sân nhà như cảnh báo của Elon Musk mà trở thành nhà sản xuất xe điện bán nhiều nhất thế giới trong quý IV/2023.
Cách biệt về tiềm lực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp. Vị thế của Mỹ đang bị đe dọa. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn cho rằng Mỹ có thể đe dọa hệ giá trị và mô hình kinh tế mà Trung Quốc gây dựng.
Sự phân tách về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn, giá cả hàng hóa leo thang. Lạm phát cao khiến Mỹ "diều hâu" hơn với chính sách tiền tệ, qua đó khiến thị trường tài chính thế giới rối loạn, nhiều đồng tiền mất giá lao dốc vài năm qua.
Một cuộc "chiến tranh lạnh 2.0" dường như đang hình thành và có thể kéo dài, đồng thời dẫn tới những căng thẳng địa chính trị, rồi có thể là các cuộc chiến tranh nóng ở một số khu vực. Tất cả sẽ khiến cho hoạt động kinh tế ở hầu hết các nước khó khăn hơn.
Trong vài năm gần đây, thế giới chứng kiến xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung. Đã có những làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao, với hàng loạt hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương…, có cơ hội trở thành điểm đến cho dòng vốn đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, việc nâng cấp quan hệ với một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ và gần đây là Úc… giúp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế hàng đầu này.
Hôm 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là một phiên thảo luận quan trọng để Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vào ngày 26/7 tới.
Được biết, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ cho việc trở thành một nền kinh tế thị trường. Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ có tác động rất tích cực tới việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, do nhiều mức thuế sẽ giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ có thể bước vào một đợt tăng mạnh mẽ mới.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cuối tháng 3, Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc - cho biết sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD tại Nghệ An.
Tháng 2/2024, một đại gia khác của Trung Quốc, Công ty TNHH Trina Solar Cell thuộc Tập đoàn Trina Solar, đã được tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án trị giá 454 triệu USD, sản xuất module và pin năng lượng mặt trời sau khi đã đầu tư 478 triệu USD cho 2 dự án trước đó.
Trong thị trường pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam, doanh nghiệp nội còn khiêm tốn, quy mô nhỏ, còn lại đều là doanh nghiệp ngoại, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc và Mỹ.
Theo kế hoạch, xe điện Trung Quốc BYD có kế hoạch xây nhà máy tại Việt Nam, nhưng chưa có lộ trình cụ thể.
Dòng vốn FDI đổ vào giúp nền kinh tế Việt Nam thêm tăng trưởng. Tuy nhiên, khối các doanh nghiệp trong nước còn yếu về cạnh tranh xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam xuất ra nước ngoài cũng phần lớn đến từ các tập đoàn lớn nước ngoài. Khu vực FDI chiếm tới 70-75% giá trị xuất khẩu của cả nước.
Có thể thấy, thế giới đang thay đổi rất nhanh, theo sát sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc (vốn mới ở giai đoạn đầu). Dòng vốn được dự báo cũng sẽ dịch chuyển mạnh và Việt Nam có cơ hội để đón làn sóng đầu tư mới, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với rủi ro khi các mối quan hệ quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp.
Việt Nam cần dự báo chính xác các xu hướng vận động cũng như tác động của những thay đổi trong quan hệ quốc tế nhằm có được các giải pháp phù hợp, giảm rủi ro và đảm bảo được lợi ích cho quốc gia cũng như khu vực và thế giới.
Mỹ yêu cầu công ty liên quan tới Trung Quốc bán đất gần kho hạt nhân 
Trung Quốc tìm ra cách sản xuất chip giá rẻ, không còn sợ bị Mỹ trừng phạt 
IMF cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ 'đảo ngược' nền kinh tế toàn cầu