Cuộc điện đàm hiếm hoi giữa ông Putin và Thủ tướng Đức khiến NATO nổi giận
Ba Lan, nước thành viên NATO, cho rằng ‘ngoại giao qua điện thoại không thể thay thế sự ủng hộ thực sự’ đối với Ukraine trong quá trình xung đột với Nga.
Đây là chia sẻ trên mạng xã hội X hôm 17/11 của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz có cuộc điện đàm đầu tiên trong 2 năm qua với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Không ai có thể ngăn cản Nga bằng các cuộc điện thoại. Cuộc tấn công vào đêm 16/11, một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong xung đột Nga – Ukraine , đã chứng minh ngoại giao qua điện thoại không thể thay thế sự ủng hộ thực sự từ toàn bộ phương Tây dành cho Ukraine. Những tuần tiếp theo sẽ mang tính quyết định, không chỉ đối với riêng xung đột ở Ukraine, mà còn đối với tương lai của chúng ta", Newsweek dẫn lời ông Tusk.
Một quan chức NATO khác là Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng nhấn mạnh "lịch sử cho thấy hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được thông qua sức mạnh".
Trong ngày 17/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận Nga đã tiến hành "cuộc tấn công kết hợp quy mô lớn" với khoảng 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine trong đêm.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm, Moscow đã sử dụng cả tên lửa siêu vượt âm Zircon và Kinzhal cùng UAV Shahed để tấn công, và Kiev đã chặn được "hơn 140" mục tiêu.
Cuộc tấn công quy mô lớn của Nga diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Scholz tiến hành cuộc điện đàm lần đầu tiên sau hai năm với Tổng thống Putin.
Trong một tuyên bố, ông Scholz cho biết đã kêu gọi Nga chấm dứt xung đột, và rút toàn bộ quân ở Ukraine. "Nga cần thể hiện thiện chí đàm phán với Ukraine với mục đích đạt được hòa bình công bằng và lâu dài", ông Scholz nói.
Còn theo Điện Kremlin, cuộc gọi được thực hiện theo yêu cầu của Berlin là "cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc và thẳng thắn về tình hình ở Ukraine". Các trợ lý của hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục giữ liên lạc. Ngoài ra, Moscow nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai liên quan tới Ukraine cũng sẽ phải xem xét tới "thực tế lãnh thổ mới".
Trong khi đó, truyền thông cho rằng khả năng một lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ được Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thỏa thuận, trước khi ông Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong đó, một lộ trình khả thi mà ông Trump có thể thực hiện là thiết lập một khu phi quân sự dọc theo các tuyến đầu ở miền đông Ukraine, và để Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng bầu cử, các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine đã lo ngại Tổng thống Mỹ đắc cử có thể đưa ra thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Ukraine mà về cơ bản sẽ cắt đứt khối phía đông của NATO và Kiev.
>> Tỷ phú Elon Musk khẳng định xung đột Nga – Ukraine sẽ sớm kết thúc 
Nga tấn công quy mô lớn vào Ukraine bằng nhiều loại vũ khí 
Báo Mỹ: Ông Biden cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa