Cựu chiến binh U80 tự lái xe máy đi hơn 1.500km vào TP.HCM dịp lễ 30/4: Chuyến đi này tôi làm được nhiều việc, đến thăm đồng đội ở Quảng Trị
Đúng với chất giản dị của người bộ đội Cụ Hồ, hành trình dài này cụ đem theo ít quần áo, đồ dùng cá nhân, một chiếc nồi và một chiếc võng. Những đồ dùng ấy tuy đơn sơ là thế, nhưng trong lòng cụ là cả một hành trang dày đặc kỷ niệm, cả một quá khứ hào hùng chưa bao giờ phai nhạt.
Những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang hướng về TP.HCM với niềm tự hào trong tim – nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước – thì hình ảnh về một người lính già vượt hơn 1.500 km bằng xe máy đã khiến bao người không khỏi xúc động.
Đó là cụ Trần Văn Thanh, 77 tuổi, quê ở TP Vinh, Nghệ An – một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử nơi chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Dù tuổi cao, cụ vẫn khoác lên mình bộ quân phục đã bạc màu theo thời gian, tự lái chiếc xe máy cũ rong ruổi từ miền Trung vào Nam. Phía sau chiếc xe là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió – như chính niềm tự hào, kiêu hãnh của người lính Cụ Hồ suốt đời sống vì Tổ quốc.

Đúng với chất giản dị của người bộ đội Cụ Hồ, hành trình dài này cụ đem theo ít quần áo, đồ dùng cá nhân, một chiếc nồi và một chiếc võng. Những đồ dùng ấy tuy đơn sơ là thế, nhưng trong lòng cụ là cả một hành trang dày đặc kỷ niệm, cả một quá khứ hào hùng chưa bao giờ phai nhạt.
Cụ Thanh cho biết đã lên kế hoạch chạy xe máy từ quê nhà vào TP.HCM từ lâu, nhưng dịp này mới có thể thực hiện. Cụ muốn đi dọc Việt Nam, muốn được thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội ở Quảng Trị, ghé thăm những địa danh nổi tiếng của đất nước và có thể kịp đến xem lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước tổ chức tại TP.HCM.
Tuy nhiên, việc một mình đi xe máy vượt 1.500km từ Nghệ An vào TP.HCM trong những ngày nắng nóng này khiến người nhà cụ Thanh vô cùng lo lắng. Cụ cười kể rằng phải đi được vài ngày rồi mới gọi điện về báo tin vì sợ vợ và các con lo. Thậm chí, các con của cụ còn định đi ô tô vào để đưa bố về.
Ban ngày, cụ Thanh chạy xe; đến giờ ăn trưa thì nghỉ lại ăn cơm ở các quán ăn dọc đường. Tối đến, lúc thì cụ ở nhà người quen, lúc lại ngủ trọ, có khi chỉ là mượn chỗ để mắc võng ngủ. Điều khiến cụ vô cùng hạnh phúc là trên hành trình này có rất nhiều người ủng hộ, hỏi thăm: “Đi đến đâu mọi người cũng chào đón tôi, quan tâm lắm, thế là vui rồi. Có những khi nghỉ ăn cơm trưa, tôi trả tiền nhưng quán ăn người ta không nhận, người ta bảo mời cơm”, cụ Thanh nói.

Đi đến Quảng Trị, lá cờ Tổ quốc bị sứt ít chỉ, một người dân đã khâu lại giúp cụ. Nhìn từng đường may đều đặn trên lá cờ đỏ sao vàng, cụ Thanh không khỏi xúc động bởi đó là lý tưởng trong tim cụ suốt mấy chục năm qua.
Cụ cho biết thêm, lý do chọn tự đi xe máy vào TP.HCM không phải vì thiếu tiền mua vé máy bay, tàu hỏa hay ô tô. Cụ muốn đi xe máy để chủ động thăm lại chiến trường xưa và nhìn ngắm sự phát triển, đổi thay của những làng quê, tỉnh thành dọc tuyến đường đi sau 50 năm đất nước thống nhất.
"Chuyến đi này tôi đã làm được nhiều điều. Trước đó tôi đi bộ đội ở chiến trường Quảng Trị. Trong chuyến này, tôi đã đến thắp hương cho đồng đội ở bến Hiền Lương, thành cổ Quảng Trị…”, cụ chia sẻ.
“Tôi từng có 25 năm phục vụ quân ngũ”, cụ Thanh nói. Khi chiến tranh kết thúc, cụ làm công tác trao trả tù binh rồi chuyển về làm việc tại phòng vật tư Quân khu 4. Giờ đây, sau bao năm tháng, cụ vẫn giữ được tinh thần lính – kiên cường, giản dị và luôn đầy lòng yêu nước.
Suốt chặng đường đi, cụ đi theo chỉ dẫn của biển báo giao thông, có khi hỏi người dọc đường. Cứ như thế, từ ngày 17/4 đến nay, cụ đã đi gần 1.000km. Mỗi ngày, cụ chỉ đi khoảng 200km, có khi hơn. Cụ vui vẻ cho biết còn khoảng vài ba ngày nữa sẽ đến TP.HCM. Các đồng đội, cựu chiến binh cùng đoàn đã đi ô tô, máy bay vào trước và hẹn nhau sẽ gặp tại TP.HCM.
Khi được hỏi về dự định sau 30/4 tại TP.HCM, cụ Thanh cho biết vẫn đang muốn tiếp tục đi xuyên Việt, đến mũi Cà Mau để thăm thú quê hương, đất nước. Sau đó, cụ mới tính chuyện trở về quê Nghệ An.
Giữa những ngày đầu hè nắng như lửa đổ, hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ với hành trình ý nghĩa ấy dường như đã xua đi cái mệt mỏi, nóng nực thường ngày để thay vào đó là tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc bất diệt. Hành trình của cụ Trần Văn Thanh không chỉ là một chuyến đi. Đó là một bản anh hùng ca của tinh thần yêu nước, của ký ức không phai về những tháng năm tuổi trẻ vì độc lập, tự do. Và trên hết, là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy luôn biết trân quý hòa bình – điều mà cha ông đã đánh đổi bằng cả máu xương để giành lấy.