Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh 21 năm tù
Sau hai tuần xét xử và nghị án, chiều nay (5/8) HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Chiều ngày 5/8/2024, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết  3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 21 năm tù.
Cùng bị truy tố hai tội danh trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết) lãnh 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán BOS, em gái ruột ông Quyết) bị phạt 8 năm tù, Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC) lãnh 8 năm 6 tháng tù, Trịnh Văn Đại (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros, anh họ ông Quyết) lãnh 11 năm tù.
Trước đó, trong 50 bị cáo hầu tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đánh giá là chủ mưu, cầm đầu và bị đề nghị mức án nặng nhất. Hình phạt đề nghị là từ 5 - 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp từ 24-26 năm tù.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết |
>> Đế chế sụp đổ: Loạt công ty liên quan đến Trịnh Văn Quyết lao dốc không phanh 
Theo phán quyết, Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC và ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Ông Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HoSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Tính riêng cá nhân, ông Quyết chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Trịnh Văn Quyết đã được cơ quan tố tụng cho phép bán hãng hàng không Bamboo Airways và trước mắt đã thu gần 200 tỷ đồng, số tiền này đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn dùng hết tài sản cá nhân để bồi thường cho các nhà đầu tư. Theo ước tính của bị cáo, số tài sản này trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi, ông Quyết nhiều lần nói "chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư". Bởi lẽ, khi mua lại công ty rồi đổi tên thành Faros (ROS), ông Quyết có mong muốn duy nhất là xây dựng một thương hiệu lớn cho Tập đoàn FLC trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Quyết buộc phải bán cổ phiếu ROS để giải quyết khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông dự định sau khi giải quyết sẽ mua lại các cổ phiếu này, nhưng chưa thực hiện được thì bị bắt.
Khi được nói lời sau cùng ngày 29/7, cựu Chủ tịch FLC nghẹn ngào bày tỏ sự hối hận, ăn năn sâu sắc. Ông nói rằng từng có ước mơ, hoài bão phát triển các khu vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định, đã thay da đổi thịt một số vùng đất, đem lại việc làm cho người lao động.
"Tại cùng một thời điểm để làm được nhiều việc cùng một lúc như trên, bị cáo đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay", bị cáo Trịnh Văn Quyết thừa nhận.
Bị cáo nói rằng rất ân hận vì trong suốt quãng đời làm doanh nhân hơn 20 năm của mình, dù đã luôn cố gắng, nỗ lực nhưng làm cho rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã vì quá tin tưởng bị cáo mà họ phải rơi vào vòng lao lý.
Theo cáo buộc, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HoSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Ngoài cáo buộc nêu trên, bị cáo Trịnh Văn Quyết còn mượn của nhiều người đứng tên mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC và ART, thu lợi 723 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT đã có công văn yêu cầu tạm dừng biến động đối với tài sản đứng tên Trịnh Văn Quyết trong đó có nhiều loại cổ phần, vốn góp như 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…
>> Ông Trịnh Văn Quyết: Không xin giảm cho bản thân, xin cho những người khác
Xét xử vụ FLC: Đại diện VKS đưa ra đề nghị bất ngờ 
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai về khối tài sản của mình