'Đặc sản' ở buôn làng vùng núi Phú Yên vào vụ Tết, xuất hàng tấn đi khắp nơi

24-01-2024 13:26|Xuân Ngọc

Những ngày cuối năm, người dân ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) tất bật sản xuất bò một nắng, muối kiến để kịp bán dịp Tết Nguyên đán.

Từ tài xế thành ông chủ cơ sở bò một nắng

Giữa tháng 1, anh Nguyễn Đình Hội (35 tuổi) đeo bao tay, cùng nhóm lao động tập trung thái thịt bò trong phân xưởng ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh - huyện vùng núi giáp tỉnh Đăk Lăk. Gần Tết, cơ sở của anh nhận hàng nghìn đơn hàng bò một nắng cùng muối kiến từ khách hàng trong và ngoài tỉnh với số lượng hàng tấn, gấp đôi so với bình thường.

W-ibo-mot-nang-xuan-ngoc-8-1.jpg
Từ lái xe, anh Nguyễn Đình Hội trở thành người chế biến món bò một nắng. Ảnh: Xuân Ngọc.

Chia sẻ về cơ duyên làm nghề này, anh Hội cho biết, trước đó làm tài xế, giúp anh được đi nhiều nơi, có cơ hội thưởng thức ẩm thực vùng miền. Lúc ấy, Hội nhận ra nơi anh sống có giống bò cỏ được chăn thả tự nhiên trên cánh đồng xanh mướt, thịt săn chắc, nên anh nung nấu ý tưởng khởi nghiệp. Mỗi lúc rỗi, anh tìm mua thịt bò về tự làm, rồi thêm gia vị để mọi người dùng thử, ai cũng tấm tắc khen.

Cơ sở bò một nắng ở vùng núi huyện Sông Hình cấp tập phục vụ hàng Tết. Ảnh:X.N

Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp. Khi bắt tay vào làm khá gian nan, bởi một vài kg thịt bò không sao, số lượng nhiều, gặp đúng ngày trời không nắng, gia vị chưa chuẩn khiến sản phẩm không được ngon. Người mua ít, cùng tiền vốn đầu tư vào nhà xưởng vài nghìn m2, máy móc và cả trang thiết bị gần tỷ đồng, khiến anh lo lắng.

W-bo-mot-nang-xuan-ngoc-7-1.jpg
Từng tảng thịt được tẩm ướp, đưa ra phơi nắng. Ảnh:X.N

Trải qua những lần thất bại ấy, anh nghiệm ra được công thức chuẩn. Từ đó, món bò một nắng của anh với cái tên “Buôn Hai Riêng” dần được đón nhận.

"Ban đầu, vợ không đồng ý, vì phần sợ chồng nghỉ việc, mặt khác nhiều rủi ro vì làm mô hình này cần nhiều vốn, nhưng sau đó thấy sự quyết tâm của mình nên ủng hộ", anh Hội nói, thêm rằng cơ sở có gần chục người làm, mức lương trung bình 5-10 triệu đồng tùy vào công việc.

Món bò một nắng ở vùng núi cấp tập làm Tết

Làm bò một nắng với anh Hội hiện không quá cầu kỳ nhưng phải chọn được thịt bò ngon, tươi. Vì thế, anh liên tục làm việc với đối tác là các cơ sở ở địa phương đặt hàng, lựa chọn kỹ từng miếng thịt đùi, thăn bò đỏ au còn nguyên tảng.

Thịt bò đưa về được thái ra từng miếng to cỡ bàn tay theo thớ thịt để bò không bị dai. Tiếp đến, họ phải ướp thịt với các loại gia vị tự nhiên như sả tươi, ớt bằm nhuyễn kèm với các gia vị đặc trưng của địa phương để gia vị được thấm đều, đậm đà và ướp trong 3-4 giờ.

Món bò một nắng thường được kèm với muối kiến, tạo ra vị riêng hấp dẫn người dùng.

Để món này được ngon, các cơ sở lựa chọn nắng lớn, đưa ra phơi 5-6 giờ. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trời âm u, người làm sẽ cho vào lò sấy với nhiệt độ khoảng 35-40 độ, trong khoảng 4-5 giờ.

Công đoạn phơi nắng hoặc sấy rất quan trọng, giúp các thớ thịt se lại, tạo thành màu nâu đỏ hấp dẫn. Anh Hội chủ động đầu tư nhà xưởng, máy sấy và các trang thiết bị khác để đảm bảo rằng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi vẫn sản xuất được. Bò một nắng sau khi phơi, hoặc sấy được cho vào túi hút chân không để đảm bảo vệ sinh, cùng với đó kèm thêm muối trứng kiến vàng để người ăn thưởng thức.

Giống bò cỏ được nuôi tự nhiên giúp thịt săn chắc, phù hợp làm bò một nắng.

Tới nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở anh làm cung cấp ra thị trường chừng 1-2 tấn, thông qua các kênh bán hàng online tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, những ngày gần Tết, nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn, cơ sở nhận nhiều đơn hàng, thống kê đợt này xuất ra thị trường gần 4 tấn, bán ra thị trường 550.000-600.000 đồng/kg, phụ thuộc vào chi phí vận chuyển.

Ở gần đó, bà Trần Thị Thu Nguyệt (51 tuổi) tỉ mẩn với khay kiến vàng được người dân lấy ở tự nhiên, làm sạch. Sau đó, bà Nguyệt xử lý rồi chế biến, thêm muối, ớt cùng một số gia vị của vùng Hai Riêng…, tạo ra sản phẩm đặc thù để thưởng thức với bò một nắng.

Trước đây, bà Nguyệt buôn bán ở chợ, rồi làm bò một nắng, kiếm thêm thu nhập. Với kinh nghiệm nhiều năm, bà Nguyệt chia sẻ, để tạo sự khác biệt cho món bò một nắng thì đầu tiên phải đảm bảo thực phẩm sạch và gia vị riêng. Nơi bà làm, gia vị được tẩm ướp riêng, đạt độ ổn định. Bên cạnh đó, bà cũng dựa vào phản hồi của khách để điều chỉnh cho phù hợp. “Những ngày gần Tết, chúng tôi làm nhiều hơn vì lượng khách đặt hàng lớn”.

W-bo-mot-nang-xuan-ngoc-5-1.jpg
W-bo-mot-nang-xuan-ngoc-2-1.jpg
Để món bò một nắng được ngon, phải tẩm ướt các gia vị trong nhiều giờ, sau đó phơi nắng hoặc cho vào lò sấy. 

Trao đổi P.V, bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh, cho biết địa phương có khí hậu, thời tiết điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi giống bò cỏ. Toàn huyện có hơn 18.000 con giống bò cỏ, nuôi ở các xã. Đây cũng là lợi thế để các cơ sở mạnh dạn phát triển ngành nghề làm bò một nắng - đặc sản của địa phương, giúp mang lại lợi ích kinh tế, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân.

W-bo-mot-nang-xuan-ngoc-1-3.jpg
Thịt bò một nắng ở Buôn Hai Riêng chấm muối kiến vàng Phú Yên.

Theo bà Hằng, sản phẩm bò một nắng được chế biến tại địa phương thời gian qua đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Huyện cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ các cơ sở làm hồ sơ tham gia OCOP.

Bệnh cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích cơ sở mở rộng số lượng, quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, đặc biệt là giới thiệu với khách tham quan, du lịch...

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-mot-nang-o-buon-lang-vung-nui-phu-yen-vao-vu-tet-2242223.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Đặc sản' ở buôn làng vùng núi Phú Yên vào vụ Tết, xuất hàng tấn đi khắp nơi
    POWERED BY ONECMS & INTECH