Đại gia Nguyễn Cao Trí xin tòa xem xét khi lượng hình cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Tại phiên tòa xét xử vụ Đại Ninh, đại gia Nguyễn Cao Trí có lời xin HĐXX xem xét kỹ lưỡng các yếu tố khi lượng hình đối với cựu bí thư và cựu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng.
Tại phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng ngày 16/1, HĐXX cho bị cáo Nguyễn Cao Trí, TGĐ Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) được quyền tự bào chữa.
Ông Nguyễn Cao Trí trình bày rằng, mục đích ban đầu khi bị cáo triển khai dự án Đại Ninh rất tốt và ý nghĩa, bị cáo mong muốn đóng góp cho quê hương và lãnh đạo tỉnh cũng muốn làm điều gì đó cho tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo đã sai.
Ông Trí mong HĐXX và đại diện VKS cân nhắc để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, bởi bị cáo phạm tội trong bối cảnh quy định pháp luật về bất động sản rất phức tạp và chồng chéo, dẫn đến dự án kéo dài, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và phải tìm mọi cách tháo gỡ, dẫn đến những quyết định nóng vội và sai lầm.
Ông Nguyễn Cao Trí cũng trăn trở về hoàn cảnh của các bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) và Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), mong HĐXX xem xét kỹ lưỡng các yếu tố khi lượng hình đối với 2 ông này.
Ông Trí trình bày thêm rằng, khi bị cáo gặp ông Hiệp đưa tiền “cảm ơn”, ông Hiệp từng nói: "Thôi em cầm chỗ này về dùm anh để bảo trợ cho bệnh viện”. Về số tiền 2.700 tỷ đồng, ông Trí cho rằng đã trình bày nhiều lần và cam kết chấp hành quyết định của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, ông xin HĐXX xem xét lại vì cá nhân ông không thu lợi từ số tiền trên.
Đồng bào chữa cho ông Nguyễn Cao Trí, luật sư Trịnh Đức không tranh luận về tội danh và đề nghị HĐXX xem xét lại động cơ mua lại dự án Đại Ninh của ông Trí không phải để “trục lợi”. Theo luật sư, việc chuyển nhượng lại dự án không phải là “mua đứt bán đoạn” mà gắn liền với các nghĩa vụ của bị cáo Trí. Luật sư kiến nghị có giải pháp tháo gỡ để dự án sớm được tiếp tục triển khai…
Theo lời khai của bị cáo Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ), bản thân bị cáo nhận thấy, việc ban hành Kết luận 929 (về kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh) hoàn toàn đúng quy định.
Ông Trần Văn Minh (nguyên Phó Tổng TTCP) thời điểm đó đã ký và nói rằng kết luận là đúng. Tuy nhiên, cũng chính ông Minh sau đó lại ý kiến cho rằng, Kết luận 929 còn bất cập. Bị cáo Khanh trình bày, quá trình ban hành lại kết luận thanh tra, ông Minh đã chỉ đạo toàn bộ kết quả điều chỉnh. Cá nhân bị cáo và Tổ công tác chịu tác động phải chấp hành.
Bào chữa cho bị cáo Lê Quốc Khanh, luật sư Nguyễn Thị Thu dành thời gian để phân tích bối cảnh phạm tội của bị cáo. Theo luật sư, sau khi nhận được phiếu chuyển đơn của Văn phòng Chính phủ, kèm theo đơn kiến nghị của Công ty SGĐN, ông Khanh cùng ông Nguyễn Hồng Giang (cựu Cục trưởng Cục 2) đã nhiều lần gửi phiếu trình, đề xuất chuyển đơn kiến nghị của doanh nghiệp đến Vụ Giám sát, Thẩm định và xử lý sau thanh tra (Vụ Giám sát) và chuyển đến UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét, xử lý theo quy định.
Dù ông Khanh nhận thức được việc thành lập Tổ công tác để xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của Công ty SGĐN là không đúng với quy định của pháp luật, nhưng căn cứ theo quy định tại quy chế làm việc của Thanh tra chính phủ, do là cấp dưới nên bị cáo buộc phải chấp hành theo sự chỉ đạo, theo mệnh lệnh của cấp trên.
Luật sư cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy, ông Khanh và các thành viên Tổ công tác số 50 phải thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của cấp trên, không biết trước được hậu quả thiệt hại có thể xảy ra và cũng không mong muốn hậu quả xảy ra.
Việc tạo điều kiện cho Công ty SGĐN được gia hạn, giãn tiến độ, được thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nhằm mục đích cho Công ty SGĐN được tiếp tục thực hiện dự án chứ không nhằm mục đích giúp cho ông Nguyễn Cao Trí chuyển nhượng dự án, dẫn đến gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng theo như quan điểm của đại diện VKS.
>> Xét xử vụ Đại Ninh: Đề nghị tịch thu sung công quỹ 2.700 tỷ đồng