Đại gia Ý bất ngờ ‘hất cẳng’ BlackRock, thâu tóm 41/43 cảng trong thương vụ để đời của tỷ phú Lý Gia Thành
Thương vụ này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc do có sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ.
Doanh nghiệp do gia đình tỷ phú người Ý Gianluigi Aponte điều hành đang nổi lên là nhà đầu tư chính trong một liên minh đang đàm phán mua lại 43 cảng biển từ tỷ phú Lý Gia Thành, theo các nguồn tin thân cận.

Công ty Terminal Investment (TiL) có trụ sở tại Geneva, do gia đình Aponte sở hữu, sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của tất cả các cảng sau khi hoàn tất thương vụ, ngoại trừ hai cảng tại Panama sẽ do BlackRock kiểm soát, theo các nguồn tin yêu cầu giấu tên vì chi tiết giao dịch vẫn chưa được công bố chính thức.
Cụ thể, đơn vị Global Infrastructure Partners (GIP) thuộc BlackRock sẽ nắm 51% cổ phần tại hai cảng nằm trên Kênh đào Panama, trong khi TiL sẽ sở hữu 49% còn lại.
Hai cảng này chỉ chiếm khoảng 4% tổng giá trị thương vụ, vốn sẽ mang lại cho công ty CK Hutchison Holdings của ông Lý hơn 19 tỷ USD tiền mặt sau khi hoàn tất.
Hiện thương vụ vẫn đang trong giai đoạn thẩm định, kiểm tra thuế và kế toán, cũng như chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý tại các quốc gia nơi các cảng tọa lạc.
Theo một trong các nguồn tin, nhóm nhà đầu tư đã cam kết sẽ giữ nguyên đội ngũ điều hành và quy định vận hành hiện tại của các cảng, không phân biệt đối xử.
Các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn và cấu trúc cuối cùng của thương vụ có thể còn thay đổi.
Những chi tiết mới này giúp làm sáng tỏ cách nhóm liên minh phân chia tài sản cảng biển trong thương vụ được xem là thách thức địa chính trị lớn nhất từ trước đến nay đối với ông Lý Gia Thành.
Theo các nguồn tin, BlackRock và quỹ đầu tư nhà nước Singapore GIC Pte đang nắm tổng cộng khoảng 30% cổ phần tại TiL. Theo trang web chính thức, TiL hiện vận hành hơn 70 cảng container (bao gồm cả các dự án đang triển khai) tại 31 quốc gia.

Công ty MSC Mediterranean Shipping của gia đình Aponte, công ty mẹ của TiL, từ chối bình luận. CK Hutchison và BlackRock cũng chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Khi thương vụ được công bố vào ngày 4/3, nhóm mua được nhắc đến với tên gọi "liên minh BlackRock–TiL", gồm BlackRock, GIP và TiL. Tuy nhiên, thông báo ban đầu không đề cập chi tiết về cấu trúc sở hữu của liên minh.
Dù thương vụ chỉ mở cửa cho chưa đến 10 bên tham gia đấu thầu, nhưng nhóm do gia đình Aponte hậu thuẫn đã được chọn một phần vì có mối quan hệ lâu năm với ông Lý. CK Hutchison tin rằng các cảng sẽ được vận hành tốt dưới sự quản lý của liên minh này.
Việc sở hữu cảng không ảnh hưởng đến quyền sử dụng Kênh đào Panama, các tàu vẫn có thể đi qua như một xa lộ thông thường. Chủ sở hữu cảng cũng phải tuân thủ luật pháp và điều khoản hợp đồng tại từng quốc gia nơi cảng đặt trụ sở.
Dù thương vụ vẫn đang được xúc tiến, các bên đã bỏ lỡ mốc thời hạn đầu tiên là ngày 2/4 cho phần liên quan đến Panama.
CK Hutchison vẫn giữ lại các cảng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, hai khu vực này đóng góp khoảng 12% tổng doanh thu của công ty, hiện đăng ký tại quần đảo Cayman.
>> Chính quyền Trump ‘chạy đua với thời gian’ ký 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày
Mỹ đạt thỏa thuận triển khai quân đội tới kênh đào Panama
Vụ tỷ phú Lý Gia Thành bán cảng Panama cho Mỹ: Cổ phiếu CK Hutchison lao dốc không phanh