Thế giới

Trung Quốc tích cực 'đẩy hàng' ra thế giới trước khi rào cản thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực

Bích Ngọc 14/04/2025 11:48

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng mạnh hơn dự kiến, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng ra nước ngoài để né tránh các mức thuế mới của Mỹ, trong khi nhập khẩu tiếp tục suy giảm do nhu cầu trong nước vẫn yếu.

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/4, giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng đồng USD đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước – vượt xa mức dự báo 4,4% trong khảo sát của Reuters và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu giảm 4,3% trong tháng 3, nhiều hơn mức giảm 2% mà giới phân tích dự đoán trước đó. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu Trung Quốc chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ – mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2024. Nhập khẩu cùng kỳ giảm mạnh 8,4%, đánh dấu cú trượt dốc sâu nhất kể từ giữa năm 2023.

Lo ngại chuỗi cung ứng đứt gãy và lạm phát leo thang tại Mỹ

Ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, cảnh báo rằng xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ suy yếu trong những tháng tới khi Mỹ tăng mạnh thuế nhập khẩu. "Trong ngắn hạn, tôi dự đoán chuỗi cung ứng sẽ bị xáo trộn và Mỹ có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa, từ đó đẩy lạm phát tăng cao", ông nhận định.

Ông Zhang cho biết môi trường chính sách thương mại hiện nay cực kỳ bất ổn, gây khó cho các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng hay kế hoạch đầu tư. "Ngay cả khi các công ty quyết định chuyển chuỗi cung ứng sang nơi khác, thì việc xây dựng nhà máy cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai".

Trung Quốc tích cực 'đẩy hàng' ra thế giới trước khi rào cản thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực - ảnh 1
Từ khi Tổng thống Donald Trump tái nhậm chức vào tháng 1, chính quyền Mỹ đã áp tổng cộng 145% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc

Bất chấp những thách thức hiện hữu, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức "khoảng 5%". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu này đang ngày càng khó đạt được trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và tiêu dùng trong nước trì trệ.

Từ khi Tổng thống Donald Trump tái nhậm chức vào tháng 1, chính quyền Mỹ đã áp tổng cộng 145% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, bao gồm thuế suất 20% liên quan đến cáo buộc vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng fentanyl.

Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng các mức thuế tương ứng, trong đó có mức thuế lên tới 15% đối với một số hàng hóa Mỹ và 125% áp dụng rộng rãi, theo đợt áp thuế mới nhất.

Ông Lingjun Wang, Phó Tổng Cục trưởng Hải quan Trung Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo rằng việc Mỹ “lạm dụng thuế quan” đã tạo ra lực cản cho thương mại toàn cầu. Ông cũng lặp lại lời kêu gọi Washington quay lại bàn đàm phán.

Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ triển khai đầy đủ các biện pháp đáp trả đã công bố, đồng thời tiếp tục mở cửa nền kinh tế để thúc đẩy thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi với các quốc gia trên thế giới.

Trong một động thái được xem là nới lỏng phần nào, chính quyền của ông Donald Trump thứ 6 tuần trước đã miễn trừ thuế đối với nhiều mặt hàng điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, chip bán dẫn, pin mặt trời và thiết bị lưu trữ. Tuy nhiên, mức thuế 20% liên quan đến fentanyl vẫn được giữ nguyên.

Bộ Thương mại Trung Quốc gọi đây là “một bước điều chỉnh nhỏ” và tiếp tục kêu gọi Mỹ xóa bỏ toàn bộ các mức thuế không hợp lý.

Các biện pháp kích thích mới?

Giới chức Trung Quốc hiện đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi phải tung thêm các gói kích thích mạnh mẽ để hỗ trợ tiêu dùng nội địa và thị trường bất động sản, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công.

Dữ liệu gần đây cho thấy tâm lý tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm tháng thứ hai liên tiếp, trong khi giá sản xuất (PPI) đã giảm 29 tháng liên tục. Trước viễn cảnh đó, một loạt tổ chức tài chính đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Goldman Sachs là cái tên mới nhất, khi tuần trước hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc từ 4,5% xuống còn 4,0%, với lý do tác động tiêu cực từ thuế quan Mỹ.

Dù kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp nới lỏng chính sách, Goldman Sachs cho rằng các động thái này có thể không đủ để bù đắp hoàn toàn tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan.

Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu GDP quý I vào ngày 16/4, trước thềm cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị – cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của nước này – dự kiến diễn ra vào cuối tháng. Tại đây, nhiều khả năng các gói kích thích kinh tế bổ sung sẽ được đưa ra nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đối phó với cú sốc thương mại.

Theo CNBC

>> Phát hiện 'điểm yếu' của Mỹ, Trung Quốc mạnh tay đáp trả trong cuộc chiến thuế quan?

'Thoát nạn trong gang tấc', Apple tức tốc dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Trung Quốc lên tiếng về việc Mỹ miễn trừ thuế đối ứng cho hàng công nghệ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trung-quoc-tich-cuc-day-hang-ra-the-gioi-truoc-khi-rao-can-thue-quan-moi-cua-my-co-hieu-luc-140426.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trung Quốc tích cực 'đẩy hàng' ra thế giới trước khi rào cản thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực
    POWERED BY ONECMS & INTECH