Dáng đi bộ cảnh báo gì về tình trạng sức khỏe?
Dáng đi bỗng dưng đi khập khiễng, lảo đảo, đi chậm… có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề sức khỏe.
Theo The Healthy, dáng đi không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe  của mỗi người. Jessica B. Schwartz – bác sĩ thuộc Hiệp hội Vật lý trị liệu Mỹ – cho biết dáng đi có thể tiết lộ nhiều vấn đề tiềm ẩn, từ chấn thương xương khớp đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Những dấu hiệu bất thường trong dáng đi
Dáng đi khập khiễng
Theo bác sĩ Jessica B. Schwartz, một số bệnh nhân gặp tình trạng 2 chân không đều nhau, chân này ngắn hơn chân kia. Khi họ già, tư thế đi đứng mất cân bằng trong nhiều năm sẽ khiến các khớp xương mòn nhanh hơn, gây đau ở lưng, khớp hông, đầu gối và bàn chân.
Sải bước chậm
Một nghiên cứu cho thấy cơ mông có xu hướng suy yếu theo tuổi tác. Ngoài ra, tốc độ co duỗi của các sợi cơ ở khu vực này cũng giảm đi theo thời gian. Theo bác sĩ Jessica B. Schwartz, hai yếu tố trên khi kết hợp với nhau có thể dẫn đến mất sức và khiến chúng ta đi chậm hơn.
Dáng đi chậm chạp ở người trẻ cũng cho thấy những người này đang gặp vấn đề về xương khớp như viêm khớp  hoặc trọng lượng cơ thể quá nặng làm hạn chế tốc độ di chuyển, nhất là ở những người thừa cân béo phì. Do đó, một chế độ ăn lành mạnh và đi bộ thường xuyên là cách tốt để người béo phì  giảm cân.
Đi loạng choạng
Theo CNN, dáng đi loạng choạng, dễ té ngã thường liên quan đến tình trạng thiếu vitamin B12 – dưỡng chất quan trọng bảo vệ hệ thần kinh. Ở người lớn, triệu chứng của việc thiếu vitamin B12 phải mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm mới biểu hiện ra ngoài vì hệ thần kinh đã trưởng thành. Tuy nhiên, ở trẻ em, triệu chứng này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.
Việc điều trị thiếu vitamin B12 cũng khá đơn giản, có thể bằng cách tiêm hoặc bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, cá, trứng và sữa.
Khi về già, việc đi bộ  có thể trở nên khó khăn hơn. Nếu thường xuyên vấp ngã, đi loạng choạng hoặc khó khăn khi đi bộ trên một quãng đường ngắn, bạn nên đi khám bác sĩ.
Đi nghiêng về một bên
Nếu bạn xoay ngực và vai theo hướng hông khi bước đi, đó có thể là dấu hiệu căng cơ hoặc thoát vị đĩa đệm lưng dưới. Dáng đi này cần được điều chỉnh để tránh gây thêm tổn thương.
Dáng đi không vững
Kiểu di chuyển hay lắc lư với ngón chân hướng vào trong có thể là biểu hiện của bệnh đa xơ cứng. Ngoài ra, đầu gối của người bệnh có thể bắt chéo, với hai chân hơi cong vào trong khi di chuyển hoặc mất cảm giác ở bàn chân, khiến họ khó phân biệt được sàn nhà hay mặt đường. Theo các chuyên gia y tế, đây là dáng đi dễ xảy ra rủi ro té ngã vì mất thăng bằng.
Những mẹo đi bộ đúng cách
Theo Healthline, những bất thường về khả năng đi lại có thể biến mất khi tình trạng sức khỏe được điều trị. Bên cạnh dùng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp và điều chỉnh dáng đi theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dáng đi bất thường do bẩm sinh không thể phòng ngừa nhưng rủi ro vì chấn thương có thể phòng tránh bằng cách đi giày dép phù hợp khi chơi thể thao, chạy bộ, ngồi đứng đúng tư thế. Dưới đây là một số mẹo để bạn đi bộ đúng cách:
Ngẩng cao đầu: Khi bạn đang đi bộ, hãy cố gắng ngẩng cao đầu, cằm song song với mặt đất và tai thẳng hàng trên vai. Giữ mắt và nhìn về phía trước. Giữ mắt tập trung vào khu vực cách bạn khoảng 3 đến 6m trong khi bạn đi bộ.
Cố gắng giữ thẳng lưng của bạn: Tập trung vào việc giữ lưng của bạn luôn thẳng trong khi bạn đi bộ. Cố gắng tránh cúi cong lưng xuống hoặc nghiêng về phía trước, bởi việc đó có thể đặt áp lực lên các cơ lưng của bạn.
Giữ vai thẳng, song song với mặt đất : Nếu vai của bạn căng hoặc chúi về phía trước, nó có thể làm căng cơ và khớp ở vai, cổ và lưng trên của bạn.
Để đảm bảo rằng vai của bạn được căn chỉnh chính xác khi bạn đang đi bộ, hãy làm như sau:
- Đưa vai lên cao theo kiểu nhún vai, sau đó thả lỏng người và vai. Sử dụng cách nhún vai để giúp giảm căng cơ và đặt vai của bạn ở vị trí tự nhiên, nơi bạn có thể cử động cánh tay dễ dàng.
- Không nâng vai về phía tai hoặc thõng về phía trước. Thỉnh thoảng bạn có thể nhún vai khi đang đi bộ để đảm bảo rằng bạn đang giữ cho vai được thư giãn và ở đúng vị trí.
Để các phần cốt lõi tham gia: Phần cốt lõi nằm ở trung tâm của cơ thể bạn (bao gồm bụng, hông, lưng dưới). Chúng có nhiệm vụ giúp bạn xoay cơ thể theo các hướng và đồng bộ hóa hệ cơ xương của bạn. Các cơ cốt lõi của bạn cũng đóng một vai trò quan trọng khi bạn đi bộ và giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn.
Khi thực hiện mỗi bước đi bộ, hãy tập trung siết bụng, kéo rốn về phía cột sống của bạn. Điều này có thể giúp bạn duy trì sự cân bằng và ổn định. Nó cũng có thể làm giảm căng thẳng và áp lực lên lưng khi bạn đi bộ.
Đung đưa cánh tay của bạn: Khi bạn đi bộ, nhẹ nhàng vung cánh tay qua lại ở hai bên. Đảm bảo rằng bạn vung tay từ vai chứ không phải từ khuỷu tay. Không vung tay lên quá cao, ngang ngực.
Bước từ gót đến ngón chân: Cụ thể, bạn nên chạm đất bằng gót chân trước, sau đó lăn từ gót đến ngón chân và đẩy cơ thể bước đi bằng phần ngón. Tránh bước chân bằng phẳng hoặc chạm đất bằng ngón chân trước.
Điểm chung khi đi bộ của người tuổi thọ ngắn 
Đi bộ nhanh hay chậm giúp kéo dài tuổi thọ thêm 15-20 năm?