Tài chính Ngân hàng

Đằng sau câu chuyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 TSCĐ vô hình trong suốt 5 năm của một ngân hàng: Đã nói là làm, đã làm là phải được

Khởi Phong 06/04/2024 14:29

Trong 5 năm, nguyên giá một tài sản cố định vô hình của nhà băng này đã tăng thêm tổng cộng 2.242 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào phần mềm máy vi tính trong 5 năm

Năm 2023, lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB, mã cổ phiếu MBB) đạt mức cao nhất từ trước tới nay, cán mốc hơn 26,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, MB giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, các công ty thành viên tăng trưởng bền vững và giữ được thị phần.

Bên cạnh đó, MB cũng hoàn thành tốt mục tiêu dịch chuyển và mở rộng bán lẻ, dẫn đầu chuyển đổi số và có doanh số giao dịch trên kênh số lớn nhất. Ba động lực tăng trưởng lớn của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn.

Trong Hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 3, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết, mục đích mấu chốt chuyển đổi số của MB là để thu hút khách hàng và kinh doanh nền tảng.

Ông Thái khẳng định: “Trong năm 2024 và định hướng 5 năm tiếp theo, MB sẽ tiếp tục tập trung vào định hướng không suy chuyển này”.

Nhìn trên báo cáo tài chính công bố, sự thay đổi giá trị của khoản mục tài sản cố định trong suốt 5 năm qua cũng cho thấy phần định hướng đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số của MB.

Năm 2023, nguyên giá tài sản cố định vô hình của MB tăng thêm gần 637 tỷ đồng. Trong đó, phần mềm máy vi tính tăng nhiều nhất (586 tỷ đồng). Nguyên giá tài sản cố định hữu hình của MB tăng thêm hơn 695 tỷ đồng, trong đó máy móc thiết bị tăng nhiều nhất (340 tỷ đồng).

Trong hai năm 2022 và 2023, MB đã chi 1.748 và 1.655 tỷ đồng vào mua sắm tài sản cố định.

Riêng với tài sản là phần mềm máy vi tính, MB đã liên tục đầu tư mới với giá trị lớn từ 2019 tới nay. Tổng cộng, trong 5 năm, nguyên giá hệ thống phần mềm máy tính đã tăng thêm tổng 2.242 tỷ đồng, lớn hơn mức tăng của các tài sản khác trên BCĐ của MB.

Đằng sau câu chuyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 TSCĐ vô hình trong suốt 5 năm của một nhà băng: Đã nói là làm, đã làm là phải được
Tổng hợp từ BCTC của MB

Cũng trong Hội nghị nhà đầu tư, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết, MB đặt mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm sinh nhật MB tròn 30 tuổi (4/11/2024). Đồng thời, MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% - 60% doanh thu cho ngân hàng trong tương lai gần.

Tại sự kiện, lãnh đạo MB cũng nói về lợi thế của nhà băng này trên thị trường. Theo ông Đàm Nhân Đức, Tiến sĩ, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Quân đội, MB có những sự khác biệt rõ rệt với các ngân hàng trong hệ thống đó là dẫn đầu về chuyển đổi số, về tỷ lệ CASA, về mảng bán lẻ... và đặc biệt là khát vọng "chiến đấu", lại có thêm tinh thần đổi mới và sáng tạo trong mỗi người MB.

"Điều này xuất phát từ lịch sử hình thành của MB, các lãnh đạo của Ngân hàng đều có cá tính mạnh, quyết tâm. Người MB đã nói là làm, mà đã làm là phải được. Chính sự quyết tâm đó, "gen" trong con người MB đã giúp MB tăng trưởng nhanh và vững trong giai đoạn vừa qua cũng như thời gian tới" – ông Đức nói thêm.

Được biết, năng lực phục vụ giao dịch trên kênh số của MB hiện tương đương các ngân hàng Top đầu châu Á với 97% khối lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số. Quy mô giao dịch của MB qua Napas thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) với lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3,6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.

Dự kiến chi hơn 6.800 tỷ đồng vào tài sản để tăng năng lực

Theo phương án sử dụng vốn chủ sở hữu năm 2024 vừa được MB công bố trong tài liệu họp cổ đông, dự kiến sẽ có 6.867 tỷ đồng được sử dụng vào đầu tư tài sản tăng năng lực.

MB cho biết, ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm để đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực trọng điểm khác với tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn điều lệ của MB ghi trong Báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022 - 2026.

Về mục đích đầu tư, nhằm nâng cao hình ảnh, thương hiệu MB tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, có nhiều tiềm năng, góp phần phát triển hoạt động, kinh doanh theo định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2026 của MB.

Đằng sau câu chuyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 TSCĐ vô hình trong suốt 5 năm của một nhà băng: Đã nói là làm, đã làm là phải được
Ngân hàng MB. Ảnh: Lao động

Ngân hàng ưu tiên lựa chọn địa điểm đầu tư tại các quận trung tâm của khu vực Hồ Chí Minh, các khu vực trung tâm các tỉnh miền Trung, và/hoặc các khu vực trọng điểm khác tập trung đông dân cư, các trụ sở ngân hàng, giao thông thuận tiện, dễ nhận diện thương hiệu. Theo đó, trụ sở đầu tư cần đáp ứng tiêu chuẩn tòa nhà hạng A, trang bị hiện đại, dễ dàng nhận diện thương hiệu.

Bên cạnh đầu tư trụ sở, kế hoạch sử dụng vốn còn bao gồm đầu tư, nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin và đầu tư các hạng mục trang thiết bị, tài sản khác phục vụ cho hoạt động, kinh doanh của MB.

>> Công ty quản lý nợ của Eximbank - đơn vị có cán bộ 'máy móc' đòi nợ 8,8 tỷ đồng vụ thẻ tín dụng làm ăn ra sao? (tygiamoi.com)

Sacombank dự kiến không chia cổ tức, lập chuỗi gần 1 thập kỷ cổ đông 'trắng tay' dù lợi nhuận giữ lại đã vượt hơn 18.000 tỷ đồng

Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 4/2024 mới nhất

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dang-sau-cau-chuyen-dau-tu-hon-2000-ty-dong-vao-1-tscd-vo-hinh-trong-suot-5-nam-cua-mot-nha-bang-da-noi-la-lam-da-lam-la-phai-duoc-229676.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đằng sau câu chuyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 TSCĐ vô hình trong suốt 5 năm của một ngân hàng: Đã nói là làm, đã làm là phải được
    POWERED BY ONECMS & INTECH