Nhờ công lao của người đàn ông đặc biệt này đã khiến cho cuộc sống tại ngôi làng nghèo có rất nhiều thay đổi.
Từ ý tưởng bất khả thi
Thảo Vương Bá là một ngôi làng nhỏ với hơn 1.000 cư dân sinh sống, nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc . Năm 1959, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến nước trong chiếc giếng duy nhất phục vụ đời sống của dân làng bị cạn kiệt. Đất đai khô cằn nứt nẻ, nước sinh hoạt không đủ, lúa và hoa màu bị chết khô.
Ở một quả núi lớn lân cận có một dòng suối nhỏ trong vắt, những vách đá thẳng đứng khiến việc đào kênh dẫn nước về Thảo Vương Bá quả là một công trình gian nan bậc nhất. Nếu muốn dẫn nước về, cần phải vượt qua 3 quả núi lớn, vượt qua hàng trăm mét vách đá thẳng đứng, bởi vậy phần lớn dân làng đều chỉ lắc đầu than thở.
Nhưng thay vì rời làng và tìm đến ngôi nhà mới, một người đàn ông tên Hoàng Đại Phát đã thấy rằng cần phải làm những gì nên làm. Bởi vậy, ông đã quyết định dẫn dắt dân làng thực hiện một dự án đầy tham vọng để đào một con kênh dài gần 10km dọc theo một vài vách đá cheo leo để đưa nước về làng, cải thiện tình trạng thiếu nước nghiêm trọng của thôn làng.
Đầu năm 1960, ông Hoàng đã bắt tay làm công trình để đời của mình khi mới 23 tuổi. Ban đầu, ông phải dành thời gian để thuyết phục dân làng đồng tình tham gia vào dự án này. Ý tưởng của ông được chính quyền địa phương ủng hộ, người dân trong thôn hăng hái ủng hộ, nhiệt tình cùng ông đi dẫn nước về cho dân làng.
Ông Hoàng Đại Phát suốt 36 năm nỗ lực đào con kênh dài gần 10km xuyên 3 quả núi để đưa nước sinh hoạt về làng khiến nhiều người vô cùng xúc động, và thành tựu của ông Hoàng được ví như việc “Ngu Công dời núi” trong truyền thuyết.
Để xây dựng con kênh, dân làng đã phải đục dọc theo những vách đá cheo leo của 3 quả núi đá vôi, công việc vô cùng gian nan và nguy hiểm. Nhiều đoạn dân làng phải leo lên đỉnh núi cao cả trăm mét, buộc dây vào cây cổ thụ, và đầu còn lại buộc vào hông, và sau đó áp sát vách đá leo xuống vị trí đã được chỉ định. Rồi bắt đầu đục và đào khoét.
Ban đầu, trước cảnh núi cao vực thẳm, phần lớn dân làng đều chùn bước. Là người có ý chí mạnh mẽ, để cổ động tinh thần mọi người, ông Hoàng đã đi tiên phong. Ông tự buộc dây thừng vào hông, từ trên vách đá cao gần 100 mét mà leo xuống, gắng sức từng bước từng bước.
Được ông Hoàng khích lệ tinh thần, những người tham gia vào việc dẫn nước ngày càng đông, tất cả toàn tâm toàn ý và phối hợp cùng nhau vì mục tiêu cao cả. Sau 10 năm “màn trời chiếu đất”, họ đã thất bại. Bởi lẽ, tuy ý chí của họ rất kiên định, nhưng họ lại thiếu kiến thức về thủy lợi.
Đến kỳ tích giúp thay đổi cuộc sống tại bản nghèo
Nói là thất bại, nhưng công sức của ông và dân làng cũng không hoàn toàn uổng phí, nỗ lực này của ông đã tạo ra một đường hầm  xuyên qua những rặng núi cho phép việc đi lại dễ dàng hơn bằng cách xuyên qua những núi đá, chứ không phải trèo đèo lội suối, đi vòng vèo qua những ngọn núi. Con đường này vẫn còn sử dụng cho đến ngày nay.
Ông Hoàng nhận ra rằng để thực hiện thành công dự án này, họ phải có kiến thức về thủy lợi. Bởi vậy ông đã học kỹ thuật này trong vài năm, và lên kế hoạch tỉ mỉ cho lần triển khai kế tiếp. Qua lần thất bại này, mọi người đều mất hết ý chí, và hoàn toàn không còn hy vọng vào việc đào núi đào kênh. Tuy nhiên, ông Hoàng không chấp nhận thất bại.
Đầu những năm 1990, ông lại chủ động thuyết phục dân làng thực hiện việc dẫn kênh một lần nữa. Ông và những dân làng tham gia dự án thường ngủ lại trong các hang động dọc theo sườn vách đá, và ở nơi xa xôi như vậy sẽ rất khó khăn để có thể tìm đến họ trong trường hợp khẩn cấp. Con gái và cháu trai ông đã lâm trọng bệnh và qua đời khi ông đang làm việc trên dãy núi này, và ông đã không thể nhìn họ lần cuối trước khi họ mất.
Mất 36 năm và ít nhất đã một lần nếm mùi thất bại, nhưng giờ đây lượng nước đưa về làng đủ để cung cấp nước ăn uống cho mọi người. Nhiều người ví ông Hoàng với nhân vật Ngu Công trong truyền thuyết, một người mà sự quyết tâm của ông đã khiến các vị Thần cảm động mà dời núi ra khỏi con đường của ông.
Năm 1995, kênh dẫn nước mới cuối cùng đã hoàn thành, và nước bắt đầu được dẫn tới ngôi làng Caowangba. Nỗ lực của ông Hoàng đã không chỉ đưa nước về làng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa điện và tạo nên một con đường mới dẫn tới thôn làng ngay trong năm đó, cho phép dân làng tiếp cận được với cuộc sống thời hiện đại.
Giờ đây, cuộc sống quê hương ông ngày càng phát triển, và ông Hoàng được dân làng vinh danh như một anh hùng ở tuổi 82. Con kênh cũng dẫn nước tới cho 3 ngôi làng khác, mang nước sinh hoạt đến cho 1.200 cư dân và cho phép họ trồng được 400.000kg thóc mỗi năm.