Danh sách chi tiết loạt thuốc giả được ‘thần thánh hóa’ khắp thị trường, người dân lưu ý
Nhiều loại thuốc giả vừa bị phát hiện được gắn mác các công ty nước ngoài ở Malaysia, Singapore…
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa ngày 17/4, sau một thời gian theo dõi, lập án và tổ chức đấu tranh chuyên án, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất , buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, hoạt động trải rộng trên phạm vi toàn quốc. Chuyên án được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lực lượng công an đã bắt giữ 14 đối tượng liên quan đến hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh". Đây là nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi, chuyên cung cấp thuốc giả ra thị trường dưới hình thức hợp pháp hóa bằng các tên công ty và sản phẩm mới tự đặt.
Trước đó, thông qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện dấu hiệu bất thường tại TP Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác, nơi xuất hiện một nhóm đối tượng tình nghi có liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ thuốc chữa bệnh giả. Nhóm này hoạt động có dấu hiệu chuyên nghiệp, tổ chức khép kín và liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, cất giấu và phân phối.
Sau khi chuyên án được xác lập, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét đồng loạt tại sáu địa điểm ở Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp. Các địa điểm này được xác định là nơi các đối tượng tổ chức sản xuất, lưu trữ và phân phối thuốc giả ra thị trường.

Tại hiện trường, công an thu giữ lượng lớn thuốc điều trị xương khớp và nhiều loại thuốc tân dược giả khác với tổng khối lượng lên đến gần 10 tấn, gồm:
Nhóm thuốc tân dược: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion (trị ho, kích ứng).
Nhóm thuốc chữa xương khớp:
1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn;
4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Singapore);
2.285 hộp trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn;
1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh);
5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh);
2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn;
930 hộp thuốc tọa cốt thiên ma thống phong hoàn;
6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn;
1.014 hộp thuốc phong tê nhức Bạch Xà Vương;
4.743 hộp thuốc phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn;
845 hộp thuốc đa xoang mũi;
4.012 hộp thuốc Viên vai cổ;
2.413 hộp thuốc Yuan Bone;
834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus;
515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus;
657 hộp thuốc thoái hóa tọa cốt đơn.

Ngoài số lượng lớn thuốc giả nói trên, lực lượng công an còn thu giữ nhiều nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất. Tang vật bao gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142kg viên hoàn, viên nén và bột không rõ nguồn gốc xuất xứ, cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất thuốc giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu bị thu giữ trong chuyên án lên tới gần 10 tấn.
Thủ đoạn lập các công ty “ma” có trụ sở ở nước ngoài
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) cùng Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP.HCM) được xác định là hai đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả. Nhóm này đã lợi dụng thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các loại thuốc xương khớp giá rẻ, để thực hiện hành vi phạm tội.

Các đối tượng tự nghĩ ra tên thuốc, đồng thời lập ra các công ty “ma” đặt trụ sở tại một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Hong Kong nhằm hợp pháp hóa sản phẩm. Nguyên liệu sử dụng là dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc được chúng thu mua, sau đó thuê công nhân nghiền thành bột, đóng viên, ép vỉ, rồi đưa ra thị trường dưới danh nghĩa “thuốc xách tay” hoặc “thuốc khuyến mãi, vượt doanh số”.
Địa điểm sản xuất được lựa chọn ở những khu vực hẻo lánh, sâu trong các ngõ cụt tại Long Xuyên (An Giang), Hà Nội và TP.HCM, nhằm tránh sự chú ý và kiểm tra của lực lượng chức năng. Công nhân tại các xưởng sản xuất này chủ yếu là người quen hoặc người nhà của các đối tượng, sinh hoạt khép kín trong kho, không tiếp xúc với cư dân xung quanh.

Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, thủ đoạn buôn bán của nhóm này cũng được tổ chức chặt chẽ. Các đối tượng đóng giả làm dược sĩ hoặc nhân viên các công ty dược, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội với các chiêu thức mạo danh như “hàng thầu”, “hàng nội bộ” hay “thuốc ngoại xách tay”. Để tạo niềm tin từ người tiêu dùng, trong giai đoạn đầu, nhóm này còn cố tình trộn lẫn một số lượng thuốc thật vào lô thuốc giả. Khi đã xây dựng được hệ thống khách hàng ổn định, chúng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất.
Khách hàng chủ yếu là các dược sĩ kinh doanh tự do tại các chợ thuốc, nơi có mức độ kiểm soát lỏng lẻo, dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng và hạn chế kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt giữ, đường dây này đã đưa ra thị trường một khối lượng lớn thuốc giả và thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan và đang tiếp tục mở rộng điều tra nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khác có liên quan đến đường dây này.
Công an triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả cực lớn: Tung ra 21 loại tân dược, thu về 200 tỷ đồng