ĐBQH yêu cầu xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo thuốc chữa bách bệnh

02-11-2022 21:37|Thu Hằng

Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều thực phẩm chức năng được nghệ sĩ quảng cáo rùm beng trên mạng. Nhưng khi kiểm tra thì lại không có chức năng như vậy, nghệ sĩ chỉ xin lỗi là xong.

Sáng 2/11, tại buổi thảo luận ở tổ về dự thảo luật "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quyền lợi của người mua hiện nay vẫn chưa được bảo vệ, cần có biện pháp mạnh hơn nữa tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng...

Liên quan tới vấn đề thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) góp ý kiến tại Điều 18 về “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ông cho rằng, ý này rất chung chung và đề nghị làm rõ.

“Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra”, ông Khánh nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời, ông cũng đề nghị cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.

"Do đó, để chặt chẽ hơn, điều 18 về xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cần bổ sung thêm các đối tượng, phạm vi và phương án xử lý rõ hơn”, đại biểu Khánh kiến nghị.

nghe-si-quang-cao-thuoc-chua-bach-benh.png

Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho biết tình trạng người bệnh mua phải dược phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng ngày càng phổ biến. Do đó, ban soạn thảo luật cần điều chỉnh, tăng cường hơn nữa bằng trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng và Nhà nước.

Nữ đại biểu TP.HCM cho rằng cần bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép, cho đến kiểm tra, giám sát, xử lý.

"Điển hình như xử lý vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita và nhiều loại dược phẩm giả, dược phẩm kém chất lượng mấy năm trước, những người dân đã sử dụng thuốc không được đền bù thiệt hại là chưa thỏa đáng. Ngay cả một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc đã mua được cấp phép, được chứng nhận hẳn hoi", bà Lan dẫn chứng.

Bà Lan cho rằng, vấn đề hóc búa nhất hiện nay là kiểm soát các cửa hàng 'ảo' trên mạng rất khó khăn, nhất là với thực phẩm chức năng. Dự thảo "Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" (sửa đổi) chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng này.

Quan tâm đến đối tượng người cao tuổi, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quyền và trách nhiệm, nhưng quyền rõ nhất là được tư vấn thì hầu như không có. Nếu không có người tư vấn thì người tiêu dùng không hiểu biết gì, rất khó bảo vệ được.

"Hiện nay người cao tuổi là người bị tổn thương nhiều nhất các sản phẩm về chữa bệnh. 95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, cho nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu ý kiến.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, hiện các đơn vị tư nhân sản xuất rất nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ đông y đến tây y, trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào thì chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm.

Tiêu huỷ lô mỹ phẩm và thuốc tây nhập lậu trị giá gần 20 tỷ đồng

Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu

ĐBQH: Xem phim đang hấp dẫn tự dưng cắt ngang để quảng cáo, điều này hết sức vô duyên

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dbqh-yeu-cau-xu-ly-nghiem-nghe-si-quang-cao-thuoc-chua-bach-benh-156400.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    ĐBQH yêu cầu xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo thuốc chữa bách bệnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH