ĐHĐCĐ ACB: Chia cổ tức 25%, lợi nhuận quý I đạt 20% kế hoạch năm, mục tiêu lãi 23.000 tỷ
Sáng 8/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại TP. HCM.
Sáng 8/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB ) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại TP. HCM. Đại hội có sự tham dự của 588 cổ đông, đại diện cho 4,47 triệu cổ phần, tương đương 60,27% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tiếp tục tăng trưởng quy mô tổng tài sản và duy trì khả năng sinh lời
Tại đại hội, Hội đồng Quản trị ACB nhận định kinh tế Việt Nam năm 2024 cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ. Ngành ngân hàng ghi nhận nhiều điểm sáng, thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,44%. Huy động vốn toàn ngành tăng 9,06%, tỷ giá cơ bản ổn định và lạm phát được kiểm soát ở mức trung bình 3,63%, thấp hơn mục tiêu 4%.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với áp lực cạnh tranh, phải rút lui hoặc tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của thiên tai và khó khăn thị trường, hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tín dụng. ACB cho biết vẫn duy trì tăng trưởng quy mô tổng tài sản và đảm bảo khả năng sinh lời.
Cụ thể, tiền gửi khách hàng tại ACB đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm. Nếu tính cả nguồn vốn huy động từ phát hành giấy tờ có giá, tổng quy mô huy động đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19,4%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 23,3%, cải thiện 0,4 điểm % so với năm trước.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cuối năm 2023, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp tăng trưởng cao hơn mức bình quân ngành. Đặc biệt, cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng mạnh 25%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,49%, trong khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,7%.
ACB đề xuất chia cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 25%, gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu, tương đương khoảng 11.170 tỷ đồng. Nếu được thông qua, ngân hàng sẽ phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, dự kiến thực hiện trong quý III/2025. Sau chia cổ tức, lợi nhuận giữ lại ước đạt 12.470 tỷ đồng và vốn điều lệ sẽ tăng lên 51.367 tỷ đồng.
Hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận quý I/2025
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2025, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB cho biết, GDP tăng 7% và lạm phát kiểm soát tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số yếu tố tiêu cực vừa xảy ra đó là chính sách thuế của Mỹ. Nếu chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực thì cũng sẽ tác động lên tín dụng của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Phát, nợ xấu của ACB có dấu hiệu tích cực đến quý I/2025 đã kiểm soát tốt nợ xấu, về mức 1,35% giảm từ 1,39% đầu năm. Nợ xấu bắt đầu giảm nhẹ vào quý I và dự kiến kiểm soát tốt nợ xấu từ nay đến cuối năm. Về lợi nhuận dự kiến hoàn thành khoảng 20% kế hoạch năm. Ông Phát dự kiến đây là dấu hiệu tích cực cho quý đầu năm nay.
"Nếu nói đến việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cả năm thì ACB vẫn kỳ vọng tăng trưởng tin dụng năm nay ở mức 16%. Bởi ACB có thể mạnh về tín dụng khách hàng cá nhân, SME và kỳ vọng thị trường bất động sản dần hồi phục, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp trong năm nay. Với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra trong năm nay, ACB cũng có cơ sở để kỳ vọng hoàn thành mục tiêu quy từng quý và quý đầu năm cũng đã khả năng nên ngân hàng có cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, với mục tiêu trên 23.000 tỷ đồng trước thuế", ông Phát cho biết thêm.
Mục tiêu lãi 23.000 tỷ
Dự báo năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu vẫn lớn do căng thẳng thương mại giữa các quốc gia gia tăng, cùng với việc áp dụng thêm các rào cản thương mại và thuế quan.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, nhưng sẽ có điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế của thị trường. Trong bối cảnh đó, các chỉ tiêu tài chính và tín dụng trong kế hoạch hoạt động năm 2025 của ACB được xây dựng trên cơ sở thận trọng, cân bằng giữa mục tiêu mở rộng thị phần và kiểm soát chất lượng tài sản. Ngân hàng cũng chú trọng quản lý chi phí, đồng thời tiếp tục đầu tư cho các dự án chiến lược, đặc biệt là chuyển đổi số và nâng cao năng lực công nghệ thông tin nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh.
ACB đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả 2024. Tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (cuối năm 2024 là 1,49%).
Năm 2025 là khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm (2025-2030). Mục tiêu chủ yếu nhất của chiến lược này là duy trì khả năng sinh lời (ROE) tối thiểu 20% như trong 5 năm vừa qua và từng bước gia tăng khả năng này.
Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tiếp tục là các động lực tăng trưởng chính. Điểm mới của chiến lược là đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho Khối Khách hàng doanh nghiệp, Khối Thị trường tài chính và các công ty con để gia tăng kết quả hoạt động.
Ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp trong năm 2025.
>> Từ 18/4: Khách hàng ACB cần kích hoạt tính năng này tránh ngừng giao dịch chuyển tiền online