Đi một chặng đường dài trong một thời gian ngắn, VinFast sắp ‘mang lại niềm vui tài chính cho mọi người'
Nhờ nước đi chiến lược táo bạo, VinFast đã gia tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ, đồng thời tối ưu hóa chi phí và tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi từ các quốc gia.
Vừa qua, VinFast  đã công bố số liệu về lượng xe giao hàng với tổng cộng 21.912 xe điện trong quý III năm nay. Con số này cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 66% so với quý liền trước.
Trong đó, thị trường nội địa đóng góp phần lớn, lần đầu tiên một nhà sản xuất xe điện Việt Nam vượt qua các đối thủ quốc tế để giành vị trí số 1. VinFast đã giao hơn 9.300 xe tại Việt Nam trong tháng 9/2024.
Trước đó, bán niên 2024, VinFast đã bàn giao 22.348 xe điện, đánh dấu mốc tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả bàn giao xe của VinFast từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2024 |
Đón đầu ưu đãi thuế xe điện - nước đi chiến lược của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Nhìn lại thời điểm trước đó, vào năm 2021, VinFast đã bắt đầu chuyến hành trình vào thị trường quốc tế khi công bố chuyển hướng hoàn toàn sang xe điện, ngừng sản xuất xe xăng và tập trung vào các thị trường mới. Giai đoạn 2022-2023 chứng kiến những nỗ lực của VinFast trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, phát triển hệ sinh thái xe điện và thu hút khách hàng quốc tế.
Cụ thể, năm 2022, VinFast đã công bố kế hoạch đầu tư vào nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ, với tổng vốn ban đầu khoảng 2 tỷ USD, để đáp ứng các yêu cầu địa phương về sản xuất và hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế của chính quyền bang cũng như liên bang.
VinFast xuất khẩu 999 chiếc xe điện sang Mỹ năm 2022 |
Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) cung cấp ưu đãi thuế cho các xe điện sản xuất trong nước, giúp xe VinFast sản xuất tại đây đủ điều kiện nhận khoản giảm thuế lên đến 7.500 USD dành cho khách hàng. Nhà máy này được kỳ vọng sẽ giúp VinFast giảm chi phí nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh và nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng Mỹ.
Không dừng lại ở Mỹ, VinFast còn thiết lập mạng lưới chi nhánh và trung tâm phân phối tại các nước châu Âu như Đức, Pháp và Hà Lan. Các quốc gia này có các chính sách ưu đãi thuế đáng kể cho xe điện, bao gồm miễn thuế VAT hoặc hỗ trợ chi phí trực tiếp cho người mua xe điện. Các trung tâm này không chỉ giúp VinFast đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu mà còn giúp giảm chi phí hậu cần và tối ưu hóa dịch vụ sau bán hàng, điều quan trọng để thu hút khách hàng ở thị trường khắt khe này.
Bên cạnh các thị trường phát triển, VinFast cũng đang xem xét xây dựng nhà máy tại các nước Đông Nam Á như Indonesia và Ấn Độ, nơi các chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang xe điện với các chính sách hỗ trợ, miễn thuế và xây dựng hạ tầng trạm sạc điện. Thị trường Đông Nam Á được coi là chiến lược để VinFast tiếp cận các thị trường gần với Việt Nam và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phương tiện giao thông xanh.
Ở Indonesia, nhà sản xuất ô tô của ông Phạm Nhật Vượng  dự kiến rót 200 triệu USD xây nhà máy công suất 30.000 - 50.000 xe/năm.
VinFast động thổ nhà máy xe điện đầu tiên tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ tháng 2/2024 |
Tại Ấn Độ, VinFast có kế hoạch xây nhà máy trị giá 2 tỷ USD tại bang Tamil Nadu. Công ty sẽ đầu tư trước 500 triệu USD trong 5 năm đầu nhằm hưởng ưu đãi và tiến hành bán xe tại thị trường này.
Gần đây, VinFast đã mở rộng sang thị trường Philippines với hai dòng sản phẩm VF 3 và VF 7. Chính phủ Philippines đã và đang triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của xe điện. Với mục tiêu đạt 50% phương tiện giao thông công cộng chạy điện vào năm 2040, Philippines đang hướng đến một tương lai tươi sáng cho ngành xe điện, mở ra cơ hội cho VinFast cung cấp các dòng xe điện đa dạng, từ xe cá nhân đến phương tiện công cộng.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Phạm Nhật Vượng từng nói: “Việc xây dựng nhà máy tại nước ngoài không chỉ giúp VinFast tăng khả năng cạnh tranh khi tiết giảm tối đa chi phí về logistics, mà tập đoàn còn có thể nhận hỗ trợ lớn hơn từ chính sách và thuế phí, được nhiều hơn từ cơ chế ưu đãi của địa phương”.
“VinFast sẽ sớm mang lại niềm vui tài chính cho mọi người”
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, trả lời câu hỏi cổ đông khi nào VinFast thu hồi vốn, ông Phạm Nhật Vượng cho rằng việc này phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động huy động thêm vốn. Với định giá 23 tỷ USD, việc thu hồi vốn đã đầu tư (8 tỷ USD) không phải là việc lớn, nhất là khi VinFast đã niêm yết ở Mỹ.
“Đương nhiên phải đợi khi có gió đông, tức là khi thị trường đông vui, sầm uất trở lại, thanh khoản tốt, sản phẩm đủ tốt, kinh doanh có lãi… thì VinFast sẽ sớm đem lại niềm vui tài chính cho mọi người” – Ông Vượng nói.
Đến năm 2024, tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết: “Dự kiến đến năm 2026, EBITDA của VinFast sẽ hòa, có dòng tiền dương. Một số thị trường hiện đã có lãi, trên nền “3 không” là không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính để năng lực cạnh tranh của chúng ta mạnh mẽ hơn. Dần dần chúng ta có thể từng bước tính cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào xe và tiến đến có lãi”.
"Tất cả cho VinFast, tất cả cho chiến thắng" - ông Phạm Nhật Vượng khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 |
Theo dự báo của Chứng khoán Vietcap , số lượng xe bàn giao của VFS có thể tăng 63% trong năm nay lên con số 57.000 chiếc, sau đó tiếp tục tăng 15% lên 66.000 chiếc trong năm 2025, chủ yếu với động lực là thị trường Việt Nam.
Vietcap dự báo mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trung bình cho VinFast (bao gồm chi phí đầu tư nghiên cứu & phát triển) trong giai đoạn 2024-2025 đạt 20.900 tỷ đồng/năm.
>> VinFast có động thái mới tại quốc gia giàu top 7 thế giới
Vingroup, VinFast ký kết hợp tác chiến lược với 4 tập đoàn hàng đầu Trung Đông 
VinFast có bước tiến quan trọng trên hành trình khai thác ‘mỏ vàng’ Trung Đông