Địa phương vừa được đề xuất là nơi dự phòng xây nhà máy điện hạt nhân tăng trưởng ra sao trong năm qua?
Ngày 17/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược” nhằm hoàn thiện đề án trình Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Dương – đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, nhà máy điện hạt nhân  Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Đại diện Viện Năng lượng nói: “Hiện, Việt Nam đã xác định được 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân, với công suất mỗi vị trí khoảng 4-6 GW. Trong kịch bản độ nhạy khi tìm được vị trí xây dựng điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ, mô hình tính toán lựa chọn phát triển thêm công suất điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ giai đoạn đến 2045 với quy mô khoảng 900 MW và tăng lên 4.800 MW giai đoạn đến năm 2050".
Ông Dương đề xuất xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ làm địa điểm dự phòng trong trường hợp không thể phát triển điện hạt nhân tại các vị trí ở tỉnh Ninh Thuận.
Hà Tĩnh  là một tỉnh ven biển của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung Việt Nam. Trong năm 2024, Hà Tĩnh đã nỗ lực trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; triển khai nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công;...
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 7,48% so với năm trước, xếp thứ 31 toàn quốc và thứ 4 khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong mức tăng trưởng chung toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,80%, đóng góp 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,20%, đóng góp 48,18%; khu vực dịch vụ ước tăng 8,06% đóng góp 36,62% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 7,06%, đóng góp 8,60% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm.
![]() |
Đề xuất xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ làm địa điểm dự phòng trong trường hợp không thể phát triển điện hạt nhân tại các vị trí ở tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: VGP |
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 112.855 tỷ đồng, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế: Năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,38% (trong đó, ngành Công nghiệp chiếm 31,75%; ngành xây dựng chiếm 9,63%); khu vực Dịch vụ chiếm 35,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,91%.
Năm 2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 118.133 tỷ đồng, tăng 0,95% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 10.149 tỷ đồng, tăng 10,56% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.712 tỷ đồng, giảm 11,80% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/12/2024 đạt 26.145 tỷ đồng, tăng 7,58% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 11.698 tỷ đồng, chiếm 44,74%, tăng 4,44%; chi thường xuyên đạt 14.184 tỷ đồng, chiếm 55,13% tổng chi, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá có chuyển biến tích cực hơn trước.
Tính từ đầu năm đến ngày 25/12/2024, toàn tỉnh thành lập mới 1.336 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2023. Nâng tổng số doanh nghiệp lên gần 12.500 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh.
Tổng vốn đăng ký đạt 7.021 tỷ đồng, tăng 25,40% so với cùng kỳ năm 2023, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 5,26 tỷ đồng, tăng 11,32% so cùng kỳ năm trước. Trong năm có 409 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 7,35% so với năm 2023.
>>‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam có một lợi thế vượt trội 
Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam - Kỳ 4: Gỡ nút thắt nhân lực và tiền 
Cần 'tổng công trình sư' dám quyết, dám chịu trách nhiệm các dự án điện hạt nhân