Vĩ mô

‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam có một lợi thế vượt trội

Phúc Lam 18/02/2025 16:02

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan, đến năm 2016, Quốc hội đã ra nghị quyết tạm dừng dự án.

Nghị quyết 31/2016/QH14 đã nêu rõ lý do dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là để “chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Năm 2014, trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Tia Sáng, TS. Nguyễn Quân, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Các dự án điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, sẽ được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”.

Dù dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm ngừng vào năm 2016 nhưng rất nhiều công việc đặt nền tảng cho dự án vẫn còn tồn tại. Đây chính là thuận lợi quan trọng và cơ bản cho Việt Nam khi tái khởi động siêu dự án “đại sự quốc gia” này.

Trước tiên, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Cụ thể, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Việc có sẵn hai địa điểm để đặt nhà máy và các vùng tái định cư sẽ giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

>>Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031

‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam có một lợi thế vượt trội
Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn

Bên cạnh đó, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (lập năm 2015), mỗi nhà máy cần khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên. Trong đó, khoảng 500 người yêu cầu tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư trở lên, chiếm 40% đội ngũ vận hành.

Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga; thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài (3 tháng) cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân; cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp; cử 32 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này là hành trang quý giá của Việt Nam để vận hành và phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Ngoài ra, sự thống nhất về chủ trương là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của dự án. Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghệ năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của những nước đi trước về công nghệ, cách thức vận hành,... để xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

>>Tái khởi động siêu dự án ‘đại sự quốc gia’ sau 8 năm tạm dừng, công nghệ 2 siêu cường nào đang vào tầm ngắm?

Chủ tịch Petrovietnam nói nếu không có cơ chế đặc thù điện hạt nhân, doanh nghiệp sẽ không làm được

Bộ trưởng Công Thương nói về tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sinh-sau-de-muon-nhung-du-an-dien-hat-nhan-cua-viet-nam-co-mot-loi-the-vuot-troi-277095.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    ‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam có một lợi thế vượt trội
    POWERED BY ONECMS & INTECH