Điểm mặt 4 thói quen vào mùa đông ‘phá’ gan nhanh nhất, thức khuya đứng cuối cùng
Ngoài thức khuya, rất nhiều thói quen xấu “tàn phá” gan từng ngày, nhất là vào mùa đông khi hệ miễn dịch yếu đi.
Hệ thống miễn dịch của con người hoạt động hiệu quả hơn ở nhiệt độ ấm bởi vậy vào mùa đông, hệ miễn dịch thường giảm sức đề kháng, làm cho các cơ quan trong cơ thể dễ bị suy yếu trong đó có cả gan.
Trong khi đó, có nhiều người vô tình, thậm chí là chủ quan, thực hiện nhiều hành vi có thể được coi là "tàn phá" gan. Trong số đó, việc thức khuya - một trong những thói quen xấu có thể gây hại cho gan - lại chỉ đứng cuối cùng trong danh sách 4 thói quen gây hại cho gan vào mùa lạnh.
1. Uống bia rượu để giữ ấm cơ thể
Việc tiêu thụ lượng lớn rượu bia  không chỉ là một thói quen  phổ biến mà còn là một nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến gan. Đặc biệt, trong mùa lạnh không ít người có thói quen sử dụng rượu như một cách để làm ấm cơ thể. Cũng không hiếm người ưa thích ngâm các loại cây thuốc với rượu và sử dụng chúng như một loại "thuốc bổ", mong muốn nhờ đó sẽ tăng cường hệ miễn dịch trong mùa lạnh để phòng ngừa bệnh tật.
Tuy nhiên, tác dụng làm ấm của rượu chỉ tạo ra cảm giác thoáng qua và thực tế có thể làm cho cảm giác lạnh tăng lên sau đó. Vì rượu làm giãn mạch ngoại vi, tăng cung cấp máu đến da và cơ, kích thích thần kinh và tạm thời làm giảm cảm giác lạnh. Ngược lại, việc tiêu thụ lượng lớn rượu bia vào mùa đông có thể gây hại đến sức khỏe , đặc biệt là gan.
Khi uống rượu bia, chất cồn nhanh chóng hấp thụ vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ có khoảng 10% lượng cồn được loại bỏ qua đường mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; phần còn lại (90%) đi qua gan, khiến gan nhiễm độc nặng. Việc sử dụng rượu thuốc và ngâm động thực vật càng làm cho gan phải xử lý khối lượng công việc lớn, gây suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu không được kiểm soát thói quen này, có thể dẫn đến các tình trạng như viêm gan do rượu, xơ gan do rượu và về lâu dài có thể phát triển thành ung thư gan.
2. Tự ý uống thuốc vì những bệnh vặt
Như đã đề cập, mùa lạnh với nhiệt độ thấp có thể làm yếu đi hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt là những bệnh liên quan đến vi khuẩn và virus. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng có thể gây ra các rối loạn khác như đau đầu, đau xương khớp, tâm trạng không ổn định, thói quen ăn uống kém,...
Trong bối cảnh này, nhiều người thường tự ý sử dụng thuốc để giảm triệu chứng bệnh . Điều đáng chú ý là việc sử dụng thuốc một cách tùy tiện mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ có thể dẫn đến nhiều rủi ro như sử dụng thuốc quá liều hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
Ngoài ra, có những người vì mong muốn cải thiện sức khỏe mà lạm dụng các loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Tất cả những thói quen này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho gan.
Gan là cơ quan quan trọng tham gia vào quá trình giải độc trong cơ thể, chuyển hóa hầu hết các loại thuốc và sau đó bài tiết chúng qua mật hoặc nước tiểu. Sự lạm dụng thuốc khiến gan phải làm việc quá mức, làm suy giảm chức năng của nó. Khi gan suy giảm chức năng, quá trình chuyển hóa, giải độc và bài tiết các loại thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc không được chuyển hóa và giải độc đúng cách có thể gây ngộ độc thuốc và tổn thương gan.
3. Lười uống nước và ít vận động
Không thể phủ nhận rằng, trong mùa lạnh, hầu hết chúng ta thường có thói quen uống ít nước và ít vận động hơn, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe của gan. Nước đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất thải khỏi cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ chất độc và bảo vệ gan khỏi tổn thương nên việc duy trì uống nước đều đặn tạo điều kiện thuận lợi cho gan lọc và loại bỏ chất độc một cách hiệu quả. Ngược lại, nếu lượng nước uống thiếu hụt trong mùa đông, gan sẽ gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, thậm chí có thể bị rối loạn và suy yếu.
Ngoài ra, mùa lạnh thường gắn liền với việc giảm thời gian vận động, kéo theo đó là giảm sự trao đổi chất, giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, và ảnh hưởng đến việc điều hòa huyết áp cũng như quá trình tiêu hóa chất béo. Tất cả đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của gan. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) có thể phát sinh do lối sống ít vận động.
4. Thức khuya
Mùa lạnh thường là mùa thời gian đêm kéo dài, khiến cho nhiều người thích thức khuya hơn, tận hưởng không gian riêng tư với chăn ấm và dành thời gian với sách vở hoặc thiết bị công nghệ trong thời tiết giá lạnh. Tuy nhiên, thói quen thức khuya không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn đặc biệt có tác động tiêu cực đến gan.
Thức khuya vào mùa đông có thể tăng nguy cơ tổn thương gan do hệ miễn dịch suy giảm và gan cần nhiều thời gian ngủ hơn để phục hồi. Chuyên gia sức khỏe khẳng định rằng, các chức năng nội tiết và ngoại tiết của gan hoạt động tốt nhất khi cơ thể đang trong trạng thái ngủ sâu, đặc biệt trong khung giờ quan trọng từ 23h đến 3h sáng.
Thức khuya có thể thay đổi đồng hồ sinh học, gây rối loạn chức năng gan, tăng cường sinh phản ứng oxi hóa, sản xuất nhiều chất trung gian độc hại, cũng như kích hoạt tế bào kupffer, có thể gây hại đến gan. Gan đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và điều chỉnh chức năng của máu, khi cơ thể nghỉ ngơi, máu được trả lại gan khi nhu cầu máu của các bộ phận giảm xuống. Ngược lại, khi vận động hoặc thức khuya, nhu cầu máu tăng lên, làm cho gan phải xử lý lượng máu lớn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Thói quen này kéo dài có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan, khiến gan yếu dần và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm gan, gan nhiễm mỡ, và thậm chí ung thư gan .
Nguồn: Aboluowang, QQ, Sohu
>> 7 loại thực phẩm không nên ăn vào buổi tối để có một giấc ngủ ngon