Diễn biến mới tại dự án cầu vượt biển dài nhất miền Trung
CTCP Xây dựng Tân Nam, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (DPG), và CTCP 479 Hòa Bình đảm nhận thi công công trình.
Cầu vượt biển Thuận An , nối xã Hải Dương với phường Thuận An, TP. Huế, được khởi công vào năm 2022 và là một trong những hạng mục quan trọng thuộc dự án tuyến đường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế  giai đoạn 1.
Với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, quy mô tuyến dài gần 8km, trong đó phần cầu qua cửa biển Thuận An có chiều dài 2,36km, trụ cầu cao 40m và rộng 20m, được bố trí với 4 làn xe. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung .
Công trình có điểm đầu từ cầu Tam Giang (xã Hải Dương) và kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A – 49B, thuộc địa phận phường Thuận An.
Liên danh CTCP Xây dựng Tân Nam, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (DPG ), và CTCP 479 Hòa Bình đảm nhận thi công công trình với thời gian thực hiện dự kiến là 3 năm. Dự án được Chính phủ  cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế xác định có vai trò quan trọng, không chỉ tạo ra tuyến đường du lịch ven biển mà còn thúc đẩy sự phát triển đô thị ven biển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.
Phối cảnh cầu vượt biển Thuận An |
Sau hơn 2 năm triển khai, đơn vị thi công đã hoàn thành 50 trụ cầu và đang tiến hành xây dựng trụ T26 và T27 – hai trụ chính dùng để kéo dây văng. Đây là hạng mục có yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhất trong số 50 trụ cầu, với khoảng cách giữa hai trụ hơn 200m và chiều cao khoảng 39m, đảm bảo khả năng cho tàu 5.000 tấn ra vào cửa biển Thuận An. Hạng mục này được xem là phần khó nhất của dự án cầu vượt biển dài nhất miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đến nay dự án đã được bố trí vốn hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn khoảng 300 tỷ đồng chưa giải ngân và chủ đầu tư đang xin kéo dài thời gian thực hiện giải ngân đến năm 2025.
Gần đây, chủ đầu tư cũng đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc điều chỉnh và bổ sung một số hạng mục cho dự án. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ bổ sung hệ thống camera giám sát cầu qua cửa biển Thuận An, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật trên và dưới cầu, cùng với hệ thống thoát nước dọc.
Ngoài ra, dự án cũng cần được bổ sung thêm 3,2ha đất tại khu vực bãi biển Hoà Duân để hoàn trả diện tích 3ha đất quốc phòng đã bị thu hồi tại thôn Hải Tiến, phường Thuận An.
"Việc bổ sung các hạng mục này không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án. Đây là dự án lớn, có thời gian thực hiện kéo dài, sử dụng nhiều loại vật liệu mới, áp dụng nhiều công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc điều chỉnh bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án là rất cần thiết", ông Cường nhấn mạnh.
Tính đến hiện tại, dự án cầu vượt biển Thuận An đã đạt hơn 71% giá trị xây lắp. Theo kế hoạch, cầu sẽ được hợp long vào cuối tháng 12/2024 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 3/2025.
>> Danh tính nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu thực hiện dự án 800 tỷ tại Quảng Bình 
Chuyển động mới tại dự án cao tốc hơn 37.000 tỷ đồng nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung 
Siêu dự án cảng biển lớn nhất miền Trung gần 50.000 tỷ đồng có chuyển động mới