Điện lực miền Bắc: Đẩy nhanh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động
Với mục tiêu tối ưu hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đặt chuyển đổi số là một trong những trọng tâm chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống điện và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.
Nhận thức rõ chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là nền tảng để tạo ra những bước đột phá trong quản trị, vận hành và phục vụ, Công ty Điện lực Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch số hóa toàn diện các hoạt động, từ hạ tầng lưới điện đến quy trình chăm sóc khách hàng với mục tiêu cải thiện hiệu quả và tăng cường tính minh bạch.
Trong quá trình phát triển lưới điện thông minh, Công ty Điện lực Phú Thọ đã tập trung hiện đại hóa trung tâm điều khiển với hệ thống Scada, đảm bảo khả năng giám sát và điều hành hiệu quả cho 17 trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh. Việc vận hành các trạm này ở chế độ không người trực không chỉ nâng cao độ an toàn mà còn cho phép tối ưu hóa nguồn lực vận hành.
Công ty Điện lực Phú Thọ áp dụng khoa học công nghệ vào vận hành lưới điện |
Với công tác đo đếm điện năng, Công ty Điện lực Phú Thọ đang quản lý và vận hành một hệ thống lớn gồm 445.038 công tơ, trong đó 85,55% là công tơ điện tử có khả năng thu thập dữ liệu từ xa. Tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa đạt trung bình 96,75% giúp công ty quản lý tiêu thụ điện chính xác và kịp thời hơn, từ đó cải thiện khả năng kiểm soát nguồn cung và hạn chế lãng phí.
Song song với các cải tiến về kỹ thuật, Công ty Điện lực Phú Thọ cũng tập trung vào việc tạo ra các trải nghiệm dịch vụ thuận tiện cho khách hàng. Với việc triển khai ký số cho 100% hợp đồng và biên bản, khách hàng có thể hoàn tất thủ tục từ xa mà không cần đến trực tiếp, tiết kiệm thời gian và tăng cường hiệu quả giao dịch. Tất cả các dịch vụ điện từ khảo sát, ký hợp đồng, lắp đặt công tơ, đến các dịch vụ cấp điện cấp 4 đều được thực hiện qua ứng dụng CMIS Mobile. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đã thực hiện 11.620 dịch vụ điện qua phương thức điện tử, giúp nâng cao mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ của ngành điện. Từ đó góp phần xây dựng hình ảnh của ngành điện hiện đại, chuyên nghiệp và tận tâm.
“Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số, không ngừng nâng cấp hệ thống và tối ưu hóa mọi quy trình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Với chiến lược bài bản, chủ động và toàn diện, công ty hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 để trở thành một đơn vị dẫn đầu trong ngành điện về chất lượng dịch vụ và khả năng thích ứng với xu thế công nghệ hiện đại”, đại diện Công ty Điện lực Phú Thọ cho hay.
Công nhân điện lực ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị điện tử |
Lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo
Trong mục tiêu chuyển đổi số, Công ty điện lực Ninh Bình luôn đặt sự hài lòng của khách hàng làm thước đo, điểm nhấn quan trọng nhất. Công ty xác định "lấy khách hàng là trung tâm" để phục vụ, chăm sóc ngày càng tốt hơn; cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác "mọi lúc, mọi nơi" thông qua môi trường số đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng.
Mục tiêu trong năm 2024, Công ty sẽ xây dựng thành công và thực thi các đề án trải nghiệm khách hàng trên môi trường số, đề án trải nghiệm nhân viên, đề án kỹ năng lập kế hoạch và quản lý công việc hiệu quả, qua đó xây dựng một môi trường làm việc không ngừng đổi mới sáng tạo.
Hiện công ty thực hiện bán điện qua 100% công tơ điện tử, với tổng số 378.920 công tơ trên lưới. Trong đó có 346.965 công tơ điện tử 1 pha và 31.955 công tơ điện tử 3 pha. Chất lượng thu thập dữ liệu đo xa công tơ điện tử ranh giới đầu nguồn, lộ tổng TBA công cộng, TBA chuyên dùng đã lắp đặt đọc xa đạt 98,40%. Chất lượng thu thập dữ liệu đo xa công tơ điện tử sau trạm công cộng bằng DCU: đạt tỷ lệ 98,51%.
Áp dụng công nghệ Hotline để sửa chữa điện, giảm thiểu thời gian mất điện |
Các yêu cầu dịch vụ điện được thực hiện theo phương thức điện tử đạt tỉ lệ 100% đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp người dân/khách hàng giao dịch thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy. Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện qua môi trường mạng (Web/Email/App/Zalo/Viber…) trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 54,30%.
Việc triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Đến nay, công ty đã triển khai số hóa 100% hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử. Điều này không chỉ giúp công ty quản lý tốt hơn công tác kinh doanh bán điện mà còn tăng tính bảo mật thông tin cho khách hàng, minh bạch các thông tin của ngành điện.
Trong việc thực hiện chuyển đổi số, các phương tiện, công cụ, các giao thức làm việc cũng đã thay đổi rất nhiều theo hướng điện tử hóa và số hóa các quá trình làm việc. Đây là kết quả nổi bật mà công ty đã đạt được trong thời gian qua. Đến nay, công ty đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4 và được thực hiện theo phương thức điện tử. Thông tin của khách hàng được kết nối và tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin của công dân thông qua CSDL Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, rút ngắn thời gian giải quyết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, công ty đã rút ngắn thời gian cấp điện mới đến khách hàng kể từ khi tiếp nhận yêu cầu đến khi lắp công tơ cấp điện đến phụ tải của khách hàng. Trong năm 2024, thời gian cấp điện mới qua lưới điện hạ áp trung bình là 2,76 ngày đối với khách hàng sinh hoạt và 2,71 ngày với khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt; thời gian cấp điện mới qua lưới trung áp là 4,12 ngày. Các yêu cầu dịch vụ điện đều được rút ngắn thời gian thực hiện so với thời gian quy định.
Chuyển đổi số cần thể chế số, hạ tầng số và cán bộ số 
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch Việt Nam theo góc nhìn chuyên gia