Diện tích đất KCN của GVR dự kiến tăng gấp 3,6 lần trong 5 năm tới
Trong trung và dài hạn, triển vọng kinh doanh của GVR sẽ được thúc đẩy bởi mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN).
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR ) hiện đang khai thác 11 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu với tổng diện tích 6.566ha thông qua các công ty con và công ty liên kết.
Năm 2024, GVR dự kiến sẽ chi khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển các KCN mới, mức đầu tư này tăng tới 77% so với năm 2023.
Trong đó, dự án KCN Nam Tân Uyên 3 với tổng diện tích 344ha (Cao su Việt Nam sở hữu 20,42% vốn) đang chờ quyết định nộp tiền sử dụng đất của UBND tỉnh Bình Dương. Sau đó, dự án này sẽ được UBND tỉnh Bình Dương tiến hành bàn giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, và dự kiến đi vào khai thác thương mại từ năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 dự án KCN lớn khác của Cao su Việt Nam, gồm: KCN Bắc Đông Phú tổng diện tích 317ha (GVR sở hữu 28,17% vốn); KCN Rạch Bắp tổng diện tích 360ha (92,67% vốn); và KCN Minh Long 3 tổng diện tích 577,3ha (39,8% vốn).
Sau khi có quyết định phê duyệt cuối cùng, các dự án trên sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cao su Việt Nam hiện đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo phê duyệt đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển KCN, phù hợp với chiến lược quy hoạch sử dụng đất ở nhiều tỉnh từ năm 2025 đến năm 2030.
Chứng khoán SSI dự kiến tổng diện tích đất KCN của Cao su Việt Nam trong giai đoạn năm 2025 – 2030 sẽ đạt 23.444ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2024, tập trung ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định tiềm năng từ đất cao su chuyển đổi của GVR trở nên rõ ràng hơn nhờ: (1) quy hoạch nhiều tỉnh phía Nam được thông qua và (2) quyết định 227/QĐTTg về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất
Từ cuối 2023 đến nay, 3 tỉnh GVR sở hữu quỹ đất cao su lớn Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh với tổng diện tích chuyển đổi lên đến gần 25.000ha. Ngoài ra, Bình Dương và Đồng Nai cũng đang chờ được thông qua quy hoạch kì cuối. Quỹ đất cao su lớn này khi được tiến hành chuyển đổi thành KCN, CCN và cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo dòng tiền từ bồi thường, cũng như cho thuê KCN cho doanh nghiệp trong dài hạn.
GVR cho biết đang xin các cấp có thẩm quyền ưu tiên để làm chủ đầu tư các KCN, CCN trên đất cao su do tập đoàn quản lý. Ngoài gần 3.000ha đất đã và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tập đoàn có kế hoạch tiếp tục làm việc với các cấp thẩm quyền để triển khai phát triển thêm 16.592ha, trong đó tập đoàn làm chủ đầu tư 10.977ha, các đơn vị đầu tư 5.615ha.
Quyết định 227/QĐ-TTg điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 ban hành tháng 3 vừa qua đã bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho nhiều tỉnh phía Nam, trong đó Bình Phước được bổ sung thêm tới 650ha, nâng dư địa phát triển quỹ đất của tỉnh lên 850ha. Sự điều chỉnh này kì vọng sẽ tác động tích cực tiến độ của các dự án Minh Hưng III, Nam Đồng Phú và Bắc Đồng Phú.
KBSV phân tích chỉ tiêu tài chính GVR |
Theo đó, Nam Tân Uyên 3 dự kiến sẽ hoàn thành nộp tiền sử dụng đất trong năm nay và có thể đóng góp vào kết quả kinh doanh cho GVR từ cuối năm với mức giá cho thuê trung bình 140 USD/m2/chu kỳ thuê.
Hiệp Thạnh 1 kỳ vọng có thể cho thuê từ năm 2025 với mức giá 100 USD/m2/chu kỳ thuê. Các KCN Rạch Bắp giai đoạn 2, Bắc Đồng Phú MR và Nam Đồng Phú MR kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của GVR từ năm 2026 với tốc độ lấp đấy tương đối nhanh do cung đất KCN vẫn đang ở mức thấp, tỷ lệ hấp thụ đất KCN ở phía Nam vẫn luôn duy trì ở mức cao.
>> GVR muốn mở rộng quỹ đất thêm 16.500ha tại vùng Đông Nam Bộ
Giá cước tăng 300%, Gemadept (GMD) nêu 3 cơ hội từ việc tắc cảng Singapore 
Vincom Retail (VRE) có thêm 78.255m2 diện tích mặt sàn trong tháng 6