Doanh nghiệp cấp nước và gánh nặng chi phí hoạt động trong quý 1/2023

20-04-2023 15:29|Yến Thanh

Ngoại trừ một số doanh nghiệp đầu ngành, phần lớn nhóm công ty mảng phân phối nước sạch đều chịu gánh nặng từ giá vốn bán hàng và chi phí hoạt động tỏng quý 1/2023.

CTCP Nước Thủ Dầu Một (Mã TDM - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu giảm nhẹ xuống 101 tỷ đồng; giá vốn bán hàng tăng nhẹ khiến biên lãi gộp giảm từ 48,6% xuống 46,5%.

Trong quý, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng đột biến hơn 94 tỷ đồng (cùng kỳ chưa tới 300 triệu đồng). Được biết khoản lãi này đến từ việc công ty được nhận 93,8 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2022 từ CTCP Nước – Môi trường Bình Dương - Biwase (Mã BWE - HOSE).

Doanh nghiệp cấp nước

Sau khi trừ các loại thuế phí, Nước Thủ Dầu Một báo lãi ròng hơn 128 tỷ đồng - tăng 213% YoY.

Được biết năm 2023, Nước Thủ Dầu Một đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 527 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 298 tỷ đồng - tăng 35% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy sau quý đầu tiên, doanh nghiệp đã thực hiện được 19% chỉ tiêu doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận năm.

CTCP Cấp nước Quảng Bình (Mã NQB - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu ghi nhận mức 26,6 tỷ đồng - tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn dẫn đến lợi nhuận gộp giảm về còn gần 5,6 tỷ; biên lãi gộp giảm từ 25,9% về còn 20,8%.

Phía công ty cho biết, do quy hoạch phát triển đô thị chi nhánh Ba Đồn có sự thay đổi nên công ty phải thay đổi phương án sản xuất kinh doanh; giá chênh lệch cao hơn so với tự sản xuất làm chi phí giá vốn tăng cao hơn mức cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động gần như đi ngang với gần 3,6 tỷ nên sau trừ các khoản thuế phí, Cấp nước Quảng Bình báo lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng trong quý 1/2023 - tương đương quý liền trước và vẫn duy trì ở mức thấp so với các quý đầu năm.

Doanh nghiệp cấp nước

Trong quý 1, CTCP Nước sạch Quảng Trị (Mã NQT - UPCoM) ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên mức 29 tỷ đồng và lợi nhuận gộp cũng cải thiện với mức 12,2 tỷ. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể sau 1 năm nên lợi nhuận ròng chỉ còn 4,2 tỷ (cùng kỳ năm 2021 đạt 3,9 tỷ đồng). Mặc dù vậy, con số này vẫn cao gấp gần 8 lần quý liên trước.

Theo quan sát, doanh thu nhiều quý gần đây của NQT chủ yếu biến động quanh ngưỡng 30 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thất thường quanh ngưỡng vài tỷ đồng/quý. Cá biệt, nhiều quý công ty chỉ báo lãi mức trăm triệu đồng như quý 4/2021 và quý 4/2022.

Đến cuối quý 1, nợ phải trả của công ty giảm về dưới 80 tỷ đồng trong đó gần 44,5 tỷ là vay nợ tài chính; vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 212 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp ngành cấp nước khác là CTCP Nước sạch Bắc Ninh (Mã BNW - UPCoM) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với ghi nhận doanh thu gần 48 tỷ và lợi nhuận sau thuế chỉ 429 triệu đồng - lần lượt tăng 6% và giảm 83% so với cùng kỳ.

Đây là lần đầu tiên kể từ quý 1/2019 công ty báo lãi quý về dưới mức tỷ đồng. Mức ghi nhận này thậm chí chỉ bằng 1/11 số lãi đạt được trong quý 4/2022

Dù lợi nhuận và biên lãi gộp tăng đáng kể YoY song việc phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay tăng đột biến lên mức gần 6,3 tỷ (cùng kỳ chỉ ở mức 3 tỷ đồng) dẫn đến lợi nhuận của công ty bị bào mòn rất mạnh.

Cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quý đầu năm là trường hợp của CTCP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi (Mã QNW - UPCoM) với mức tăng 8% lên 17,4 tỷ. Dù vậy, giống như một số doanh nghiệp cùng ngành, giá vốn bán hàng tiếp tục trở thành gánh nặng khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh về mức 5,7 tỷ; biên lãi gộp chỉ còn 33%.

Bù lại, nhờ tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động nên lợi nhuận sau cùng của công ty vẫn còn 3,5 tỷ - giảm gần 500 triệu so với quý 1/2022. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh QNW vừa báo lỗ 5,3 tỷ đồng trong quý liền trước.

Quý 1 vừa qua, CTCP Cấp thoát nước Long An (Mã LAW - UPCoM) ghi nhận doanh thu tăng 13% YoY lên mức 64,3 tỷ đồng. Mặc dù vậy, giá vốn bán hàng tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 2 tỷ so với cùng kỳ về còn 11,6 tỷ đồng.

Các khoản chi phí hoạt động gần như đi ngang so với cùng kỳ (mức 10,3 tỷ) song nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 3,2 tỷ đồng nên lãi ròng quý 1 của công ty bất ngờ tăng 30% so với cùng kỳ lên mức 4,3 tỷ - mức cao nhất kể từ khoản lãi 8,1 tỷ hồi quý 2/2020 của công ty.

Dù vậy, giống như hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành, biên lãi ròng của công ty vẫn ở mức thấp và thiếu ổn định.

CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội (Mã NS2 - UPCoM) là một trường hợp khác biệt khi ghi nhận tại thời điểm cuối quý 1/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp này đang ở mức khổng lồ với hơn 700 tỷ (gần 309 tỷ đồng đến từ vay nợ) - gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.

Quý vừa qua, NS2 báo doanh thu nhích nhẹ lên mức 106 tỷ đồng và lãi gộp gần 52 tỷ - vượt trội so với phần lớn doanh nghiệp cấp nước sàn UPCoM vừa công bố kết quả kinh doanh.

Mặc dù vậy, gánh nặng chi phí hoạt động trong đó có 40,1 tỷ đồng chi phí bán hàng, 4,8 tỷ đồng chi phí lãi vay và 7 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của công ty chuyển âm. Nhờ có khoản thu nhập khác hơn 87 triệu đồng nên sau cùng NS2 thoát lỗ với khoản lãi mỏng chỉ hơn 48 triệu.

Với kết quả này, NS2 trở thành doanh nghiệp có mức biên lãi ròng thấp nhất ngành sản xuất và phân phối nước trong quý 1/2023 (tính đến thời điểm hiện tại).

Doanh nghiệp cấp nước
Đvt: Tỷ đồng

Triển vọng cổ phiếu doanh nghiệp cấp nước 2023?

Năm 2022, nhóm doanh nghiệp ngành nước - với đặc thù độc quyền cao - tiếp tục khẳng định giá trị an toàn bất chấp những câu chuyện của nền kinh tế. Mặc dù vậy, lợi nhuận, lãi lỗ đều không chia đều cho tất cả.

Sang năm 2023, triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp ngành cấp thoát nước được cho là khá tích cực nhờ nhu cầu và giá bán dự báo tăng. Thậm chí, các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua mua bán sáp nhập (M&A).

Dù vậy, giới phân tích nhận định, chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước tăng có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết ngành nước có đặc thù là mỗi một đơn vị cấp thoát nước ở trên một địa bàn, chứ không phải cạnh tranh chồng lấn lên nhau. Do đó, mỗi một đơn vị cấp nước trên địa phương có rất nhiều kinh nghiệm về mô hình tổ chức, về công nghệ, về con người.

Các công ty cấp nước hiện được chia thành 2 nhóm. Cụ thể, các công ty sở hữu mạng lưới phân phối nước BWE, DNW, CTW, HPW, DNA, BWS, HDW, NBW,… Nhóm còn lại là các công ty sở hữu nhà máy xử lý nước như DNP, TDM và VCW.

Các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của các ủy ban nhân dân tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các công ty này độc quyền phân phối. Hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân số trên địa bàn phân phối.

Đối với những công ty này, chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI ước tính doanh thu có thể tăng 8% trong năm 2023. Tuy nhiên, câu chuyện đóng quân của các nhà máy/doanh nghiệp cũng sẽ quyết định nhiều đến thành tích riêng của mỗi công ty.

Hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước ít hơn và hiệu suất vận hành các doanh nghiệp ngành nước được nâng cao. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình ở Việt Nam là 17,5% vào năm 2022, giảm từ 18,7% vào năm 2021. Chuyên gia từ SSI ước tính tỷ lệ thất thoát nước giảm 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện 1,1%.

Mặt khác, chi phí nguyên vật liệu chiếm 30 đến xấp xỉ 35% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nước; hóa chất chiếm 21% chi phí nguyên vật liệu,... Theo đó, SSI dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của nhóm này sẽ giảm 0,2 - 0,4% do chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước gia tăng.

Doanh nghiệp cấp nước

Với câu chuyện của giá cổ phiếu, nhờ tăng trưởng kinh doanh ổn định nên không ít mã ngành nước vẫn ngược chiều thị trường để tăng giá với mức tăng 7% trong năm 2022 bất chấp việc VN-Index giảm mạnh; những cổ phiếu ghi nhận diễn biến tích cực nhất bao gồm LAW tăng 173%; BDW tăng 48,9% so với đầu năm.

Và với cơ chế mới từ Nghị định 117/2007/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, dù quy mô không lớn nhưng có thể tạm coi là một trong những nhóm phòng thủ trong một số trường hợp thị trường có biến.

Mặc dù vậy, cổ phiếu ngành nước nói chung vẫn đang khá kén nhà đầu tư bởi câu chuyện về tỷ lệ free float; xu hướng M&A tại nhiều doanh nghiệp khiến lượng "hàng trôi nổi trên thị trường ở nhiều mã bao gồm cả các mã đầu ngành trở nên ít ỏi.

Nhận hơn trăm tỷ đồng cổ tức, nước Thủ Dầu Một (TDM) báo lãi 284 tỷ năm 2023

Lãi lớn, một doanh nghiệp ngành nước sắp chi 140 tỷ đồng tạm ứng cổ tức

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-cap-nuoc-va-ganh-nang-chi-phi-hoat-dong-trong-quy-12023-179559.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Doanh nghiệp cấp nước và gánh nặng chi phí hoạt động trong quý 1/2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH