Ngày 8/12, các thương hiệu thép xây dựng trong nước thông báo tăng giá bán các mặt hàng thép cuộn và thép thanh vằn thêm 300.000 - 390.000 đồng/tấn.
Ngày 8/12/2022, một số doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng 300.000 – 390.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, lên khoảng 14,5 – 16,3 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.
Trong lần điều chỉnh này, thép Pomina có mức tăng mạnh nhất. Theo đó, công ty tăng lần lượt 390.000 đồng/tấn và 380.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 16,1 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.
Tiếp đó, thương hiệu thép Việt Ý cũng nâng 310.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, lên mức 14,7 triệu đồng/tấn; tăng 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 15 triệu đồng/tấn.
Thép Kyoei miền Bắc cũng nâng 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn với hai dòng thép CB240 và D10 CB 300, lên 14,6 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.
Còn thép Việt Nhật đồng loạt tăng 310.000 đồng với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14,8 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Sing cũng tăng 310.000 đồng với thép cuộn CB240, lên 14,6 triệu đồng/tấn và nâng 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, ở mức 14,9 triệu đồng/tấn.
Sau khoảng 1,5 tháng giá thép đi ngang, đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép rục rịch điều chỉnh giá thép, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất. Trong vòng một tuần qua nhiều thương hiệu đã điều chỉnh giá hai lần, trong khi giá thép của Hòa Phát, thép miền Nam vẫn giữ nguyên.
Thương hiệu thép Hòa Phát giữ nguyên giá thép so với đợt điều chỉnh gần nhất vào giữa tháng 10. Hiện, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát đang ở mức 14,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 14,6 triệu đồng/tấn.
Thép Miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức 15,2 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15,5 triệu đồng/tấn.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS Research) cũng từng đưa ra dự báo ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố kìm hãm ngành thép trong dài hạn.
Cụ thể bất động sản đang gặp khó khăn do dòng vốn trái phiếu đang bị siết lại trong năm nay. Mặt khác, Luật đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi, việc chờ đợi những sửa đổi chính thức được ban hành có thể làm giảm tốc độ phê duyệt các dự án trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên viên, trong ngắn hạn, ngành thép có thể phục hồi nhẹ vào quý IV. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn.
Nhu cầu đầu tư và tiêu dùng toàn cầu và gián tiếp là nhu cầu sử dụng thép đã thu hẹp trong năm 2022 do lãi suất tăng và sức mua suy yếu.
Điều này sẽ còn tiếp diễn khi làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo vẫn kéo dài đến tháng 5/2023. Áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu từ quý 3/2023 sẽ khuyến khích nhu cầu thép toàn cầu.
Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10 
Thị trường thép xây dựng đạt kỷ lục tiêu thụ hơn 1,25 triệu tấn sau gần 3 năm