Doanh nghiệp ngành dệt may đón loạt tín hiệu vui, KQKD nửa cuối năm có tăng trưởng?
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện kể từ tháng 5/2023, là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành hàng này.
Từ đầu năm 2023 đến nay, do tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho cao, ... Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, doanh nghiệp còn phải đối diện khó khăn khi đơn giá giảm sâu, dòng tài chính đang dần cạn kiệt, ...
Theo số liệu ước tính từ Bộ Công thương, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành Dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ, đạt mức 21,5 tỷ USD.
Tuy nhiên dữ liệu qua các tháng đã cho thấy sự phục hồi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7/2023 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD (sau khi tăng trưởng tích cực ở mức 13,2% so với tháng trước trong tháng 6).
Theo số liệu ước tính từ Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu xơ, sợi dệt tăng 2,5% so với cùng kỳ lên 988.300 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 19,9% so với cùng kỳ về 2,48 tỷ USD do giá bán giảm sau khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa, bông cotton) hạ nhiệt từ vùng cao trong nửa đầu năm 2022. Sản lượng xuất khẩu xơ sợi tính riêng tháng 7 ước đạt 160.000 tấn, tương đương với mức tăng 6,7% so với cùng kỳ và 45,4% so với tháng 6, điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang ở trong quá trình phục hồi.
Kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc đạt 19 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên riêng tháng 7 được ghi nhận đạt 3,26 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 6/2023.
Bức tranh ảm đạm nhóm doanh nghiệp dệt may nửa đầu năm 2023
Tình trạng sức tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc kéo dài khiến cho lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất duy trì ở mức cao cho đến quý 2 năm 2023, dẫn đến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp may đa phần lao dốc.
Trong 6 tháng đầu 2023, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT ) giảm 15,5% so với cùng kỳ và đạt 8.119 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm mạnh 87% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 57% so với nửa đầu năm 2022, đạt 189 tỷ đồng và công ty gia tăng trích lập dự phòng lên gần 72 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2022 ghi nhận hơn 13 tỷ đồng).
Đối mặt với những khó khăn tương tự trong việc doanh số bán hàng sụt giảm và chi phí tài chính tăng cao, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH ) chứng kiến doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ về mức 2.179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 33% so với cùng kỳ về mức 113 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm 2023; tương tự CTCP Dệt May Thành Công (HOSE: TCM ) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.591 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, CTCP Garmex Sài Gòn (mã: GMC )ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8 tỷ đồng, giảm tới 97% so với con số 264 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế ghi nhận 33 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 4 tỷ trong nửa đầu 2022. Đây cũng là doanh nghiệp ngành dệt may hiếm hoi báo lỗ trong nửa đầu năm 2023.
Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, Garmex Sài Gòn không ghi nhận khoản thu nào từ đối tác là Gilimex (GIL ) trong khi cùng kỳ năm trước hoạt động này đem lại tới 224 tỷ đồng doanh thu.
Theo giải trình từ phía công ty, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tiếp tục thua lỗ do chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU; do đó công ty thiếu đơn hàng, đơn hàng số lượng nhỏ đi kèm giá thấp.
Doanh thu lũy kế 6 tháng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG ) tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ lên 3.334 tỷ đồng nhờ thực hiện các đơn hàng đã ký trong quý 4 năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của công ty đã sụt giảm 21% về mức 99 tỷ đồng.
Nhờ giảm ghi nhận khoản hàng bán trả lại (giảm 70% so với cùng kỳ về mức 759 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2023), doanh thu của Tổng CTCP May Việt Tiến (UpCOM: VGG )tăng 6% lên 4.125 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế cũng chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ về mức hơn 76 tỷ đồng.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại. Như CTCP Damsan (HOSE: ADS) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 tăng 14% so với cùng kỳ lên 970 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 17% so với cùng kỳ về 38 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tổng CTCP Phong Phú (UpCOM: PPH) lần lượt giảm 13% và 34% so với cùng kỳ 2022 về mức 784 tỷ đồng và 213 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2023. Doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK ) giảm 41% so với cùng kỳ về mức 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sụt giảm 73% về mức 39 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay tăng mạnh.
Triển vọng ngành dệt may nửa cuối năm 2023
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành Dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5/2023, VNDirect nhận định đây là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này.
Đánh giá theo xu hướng mặt hàng ngành dệt may tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó VNDirect kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ Q3/2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có rủi ro sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa sản xuất từ dầu thô) tăng trở lại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiết kiệm để kích thích dòng tiền chảy ngược lại ra tiêu thụ và đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm gần 21% so với cùng kỳ, đạt mức 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị được ghi nhận trong Q2/2023 đã tăng mạnh 42% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (tại 609,7 triệu USD). Theo đó, các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
Về phía thị trường Mỹ, tính đến tháng 5/2023, vải và hàng may mặc nhập khẩu của quốc gia này đã tăng 12,1% so với tháng trước về lượng (đạt mức 13,2 tỷ m2) và tăng 9,3% so với tháng trước về giá (đạt mức 9,2 tỷ USD). Sản lượng nhập khẩu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, phản ánh nhu cầu cho sản phẩm thuộc các phân ngành này đang phục hồi với tiến độ tích cực.
Tại thị trường EU, hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU tiếp tục được hạ xuống nhờ EVFTA nhưng nhu cầu chưa thực sự hồi phục. Việc các điều kiện tài chính tại Châu Âu được dự đoán sẽ còn bị thắt chặt hơn trong các tháng tới (ECB tiếp tục nâng lãi suất) đang là một rủi ro đe dọa triển vọng tiêu dùng tại khu vực này.