SSI Research cho rằng, doanh nghiệp thủy sản sẽ tiếp tục phải đối diện với áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài trong năm 2022.
Theo SSI Research, năm 2021, nhu cầu thủy sản đã tăng dần tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu do HORECA (khách sạn, nhà hàng…) dần mở cửa trở lại.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu cá tra, Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu. Tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy bởi thị trường Mỹ cả về sản lượng và giá. Trong khi đó, thực trạng xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu đang diễn biến kém khả quan.
Sang năm 2022, nhu cầu thủy sản có thể tăng mạnh nhờ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Ngoài thị trường Mỹ, nhu cầu tại châu Âu và Trung Quốc cũng được kỳ vọng lớn hơn nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc.
Với sự không chắc chắn về các biến thể COVID-19 mới, kế hoạch xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022 khá khiêm tốn ở mức 8,73 tấn về sản lượng và 9 tỷ USD về giá trị, không tăng trưởng.
Khi nhu cầu tăng mạnh, SSI Research cho rằng giá bán bình quân có thể tiếp tục xu hướng tăng.
Theo quan sát của chuyên viên phân tích SSI Research, giá cá nguyên liệu quý IV/2021 tăng 13% so với cùng kỳ và 8% so với quý trước do nguồn cung thiếu hụt trước việc diện tích nuôi giảm khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021.
Dữ liệu của AgroMonitor cho thấy, nguồn cung cá tra giảm 14% so với cùng kỳ trong tháng 11/2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), diện tích nuôi cá tra giảm 30-50% so với cùng kỳ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý I/2022. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu và có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý I/2022. Do chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung được kỳ vọng sẽ giảm dần trong quý II/2022.
Trong năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản phải đối mặt với áp lực chi phí lạm phát bao gồm cả nguyên liệu thô và thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, hầu hết các công ty xuất khẩu phải chịu chi phí gia tăng do thiếu container, giá cước vận chuyển tăng và tình trạng tắc nghẽn cảng kéo dài.
SSI Research cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thủy sản sẽ tiếp tục đối diện với áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài trong năm 2022.
Đối với chi phí vận chuyển, theo dự báo của McKinsey. giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý II/2022.
Năm 2024: Cổ đông ngành thép lỗ nặng, chỉ một mã lớn vượt khó 
Xu hướng già hóa dân số tại Nhật Bản 'mở đường' cho dự án chiến lược của FPT