Doanh nghiệp Việt đầu tiên xây được nhà máy chip bán dẫn sẽ được hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách Trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030.
Sáng 19/2, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ , đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết nêu rõ, ngân sách Trung ương được sử dụng để đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức của Trung ương, địa phương sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu có thời gian lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025-2026 thuộc các nhiệm vụ, dự án, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai, xây dựng nhiều nội dung.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng 5G toàn quốc được quy định như doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025.
Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024.
Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.
>>Hút vốn ngoại cho ngành bán dẫn 
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Forbes |
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp trên được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách Trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.
Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hàng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.