Kinh thành Huế không chỉ có cung điện, lăng tẩm được tạo hình kiến trúc đặc sắc, mà ngay từ chiếc máng xối nước mưa cũng được chăm chút tỉ mỉ và có kiến trúc nghệ thuật ấn tượng khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng phải trầm trồ.
Suốt hơn một thế kỷ, hình ảnh các công trình kiến trúc cung đình ở Huế vẫn tồn tại, hiện diện trong đời sống thường nhật của người dân Việt nói chung, người Huế nói riêng.
Những công trình kiến trúc  mang kiểu dáng triều đình đã phản ánh một diện mạo về mỹ thuật truyền thống Việt, như một dòng mạch ngầm được chung đúc từ mỹ thuật thời Lý, Trần rồi qua Lê tới Nguyễn, triều đại cuối cùng của xã hội phong kiến Việt Nam.
Đến thăm kiến trúc cung đình Huế, bạn có thể ngắm những hoa văn, họa tiết trang trí tưởng chừng đơn sơ nhưng lại gửi gắm biết bao ý nghĩa. Giá trị nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế không chỉ được thể hiện ở quy mô tổng thể mà còn tinh tế qua từng chi tiết nhỏ. Ngay cả hệ thống máng xối nước, cũng được chăm chút với những nét đặc sắc riêng.
Máng xối nước là một phần quan trọng của các kiến trúc có bố cục từ 2 nếp nhà trở lên nằm cạnh nhau. Đây cũng là kiến trúc thường thấy ở cung đình Huế. Điều đặc biệt gây ấn tượng nếu để ý tới các máng xối nước này, đó là nó không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ dẫn nước mà còn là một thành tố kiến tạo nên nét nghệ thuật trong tổng thể kiến trúc cung đình.
Sự tinh tế và tỉ mỉ thể hiện ngay ở những họa tiết tạo tác phần đầu máng xối hình rồng. Những họa tiết mang tính biểu tượng cho văn hóa, cho tín ngưỡng và gửi gắm điềm lành.
Trong mỹ thuật triều Nguyễn, biểu tượng cá hóa rồng trở thành đề tài trang trí phổ biến trên nhiều vị trí kiến trúc cung đình cũng như dân gian. Từ đường gờ mái, tay vịn cầu thang đến những tấm bình phong... đều có họa tiết rồng nhưng được thể hiện vô cùng đa dạng nhưng không hề nhàm chán, lặp lại.
Chẳng hạn như họa tiết rồng ăn chữ thọ, lưỡng long chầu nguyệt (họa tiết hỏa châu ở giữa và có hai rồng chầu về), lưỡng long tranh châu (gần giống với lưỡng long chầu nguyệt nhưng quả cầu ở giữa không có ngọn lửa bao quanh), long ẩn vân (rồng ẩn mình trong mây), ngư long hỷ thuý (cá và rồng vui đùa với nước)... Trong đó, họa tiết lưỡng long chầu nguyệt là biểu tượng mang tính tín ngưỡng, cầu mong mưa thuận gió hòa. Hỏa châu trong kiểu thức này tượng trưng cho sấm sét và hai con rồng tượng trưng cho mưa.
Ngoài rồng, họa tiết cá cũng được lựa chọn để trang trí đầu máng xối nước mưa tại một số công trình trong cung đình Huế , là biểu tượng cho sự sung túc, dư dả. Trong đó, hình ảnh cá hóa rồng là biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ, cùng nỗ lực phi thường vượt qua thử thách, khó khăn để đi đến thành công.
Như một lẽ tự nhiên, họa tiết cá được sử dụng làm đầu máng nước bởi cá vốn thuộc về nước. Trong hệ thống biểu tượng, cá biểu tượng cho sự giàu có, dư dả. Còn cá hóa rồng tượng trưng cho việc học thành tài, đỗ đạt kỳ thi để làm quan.
Điểm đặc biệt ở lối kiến trúc này là không dùng lớp nối thông thường, mà các máng xối nước chính là điểm giao tinh tế giúp kết nối 2 lớp mái của các nếp nhà, tiền đường - hậu đường và thoát qua hai bên.
Ngoài ra, máng xối nước ở cung đình Huế không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ dẫn nước mà còn là một thành tố kiến tạo nên nét nghệ thuật trong tổng thể kiến trúc cung đình. Khi trời mưa lớn, nước dồn từ trên nóc mái, chảy qua miệng rồng hoặc cá trang trí ở đầu máng xối tạo nên nét đẹp vô cùng thú vị.
Tại các cung điện, lăng tẩm tại Huế, đầu máng xối nước mưa thường dùng họa tiết rồng hoặc cá (cá ở đây thường là cá chép, cá gáy) như đã nói ở trên. Những chi tiết nhỏ này giúp kiến trúc tổng thể của điện đài hài hòa hơn, chưa kể đến tác dụng thẩm mỹ đã tăng lên rất nhiều.
Ngoài Huế, khách du lịch cũng có thể bắt gặp các máng xối nước mưa được trang trí cầu kỳ tại nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An. Các kiến trúc này cũng sử dụng các con vật làm họa tiết trang trí đầu máng xối, như con cóc, con cá chép hay ễnh ương. Các máng xối này được trang trí bằng gốm tráng men, gắn mảnh sứ màu... nhưng về độ tinh xảo thì không thể bằng trong cung đình Huế.
>> Thị trấn bốc cháy âm ỉ hơn 60 năm không ai dám đến gần chỉ vì người dân đốt một khóm rác