Đối mặt nhiều 'gió ngược', yếu tố nào sẽ thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm 2025?
Mới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt quyết tâm đưa kinh tế Việt Nam năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.
Cần làn sóng lớn từ kinh tế toàn cầu chảy vào Việt Nam
Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup nhìn nhận muốn có sự bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn mới, cần phải có một làn sóng rất lớn từ kinh tế toàn cầu lây lan sang kinh tế Việt Nam , hoặc một câu chuyện về nội tại như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đủ lớn.
Phân tích về các yếu tố có thể tác động giúp tăng trưởng của Việt Nam tăng cao, ông Báu cho rằng yếu tố có thể loại bỏ đầu tiên là chính sách tiền tệ.
Bởi vì trong chính sách tiền tệ  chỉ có hai thứ tác động gồm lãi suất liên quan đến chi phí vốn và câu chuyện về thanh khoản, quy mô tiền trong nền kinh tế.
Điện Biên lọt top 10 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước |
Nếu để ý sẽ thấy, từ năm 2025 trở đi, chúng ta không thể có lãi suất rất thấp như giai đoạn 2013 đến năm 2019-2020, vì chu kỳ này hiếm khi xảy ra. Có thể nói lãi suất đã đi đến gần cuối hành trình và lãi suất cho vay không thể giảm mạnh được nữa, chỉ có thể lình xình hoặc giảm nhẹ ở quanh mức hiện nay.
Về quy mô tiền việc mở “room” tăng trưởng tín dụng đã được đề cập rất nhiều, nhưng vấn đề này khá khó.
Nguyên nhân là do với một nền kinh tế  phụ thuộc nhiều vào tín dụng như Việt Nam, trong khi các kênh khác không đóng vai trò quan trọng như cổ phiếu bị lu mờ, hay trái phiếu đóng băng thì dù mở room tín dụng cũng sẽ không hiệu quả. Do đó, chính sách tiền tệ chỉ là một điểm cộng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chứ không là điểm then chốt giúp tăng trưởng bứt phá.
Thứ hai, là chính sách tài khóa bao gồm hai mặt gồm thu và chi. Trong đó thu chủ yếu liên quan đến thuế, phí còn chi sẽ liên quan đến các vấn đề như đầu tư phát triển, riêng chi thường xuyên thì không biến động mạnh. Khi Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế bằng việc mở rộng chính sách tài khóa, sẽ phải giảm thu thông qua giảm thuế, phí và tăng chi.
Nhìn lại cả một hành trình đối với bên thu, chúng ta đã có các giải pháp như hỗ trợ thời kỳ hậu Covid, đến thời điểm này kéo dài hơn 4 năm với số tiền hỗ trợ thuế, phí lên tới gần 900.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy từ trước đến nay, chúng ta vẫn đang hỗ trợ giảm thuế, phí làm ảnh hưởng không ít đến nguồn thu của Chính phủ.
Vào khoảng tháng 7/2024, Bộ Tài chính đưa ra dự kiến từ năm 2025 sẽ thắt chặt chính sách tài khóa bằng việc tăng lại thuế hoặc giảm bớt hỗ trợ về thuế, phí. Như vậy, chúng ta muốn mở rộng chính sách tài khóa cũng không còn quá nhiều không gian và có thể chỉ duy trì như hiện tại.
Đối với chi ngân sách, con số kế hoạch chi của năm 2024 thấp hơn so với thực hiện một chút của năm 2023, đồng thời tỷ lệ thực hiện cũng thấp, nếu tính đến tháng 11/2024 có khoảng 410.000 tỷ đồng giải ngân tương đương với 60% kế hoạch.
Theo ước tính của WiGroup, đến cuối năm nay tổng giải ngân đầu tư công sẽ đạt khoảng gần 500.000 tỷ đồng, tương đương 74% kế hoạch. Con số này cũng đi ngang so với năm 2023. Trong khi đó, kế hoạch của năm 2025 mặc dù con số chưa công bố một cách chính thức nhưng đã có đề xuất ở mức khoảng 790.000 tỷ đồng.
Thực tế, Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến kế hoạch thực hiện đầu tư công cao như vậy và giả sử năm 2025 vẫn chỉ đạt 75% kế hoạch thì có khoảng 600.000 tỷ đồng được giải ngân, đồng nghĩa với việc sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2024.
Tuy nhiên năm 2025, sẽ có câu chuyện cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân vốn đầu tư công chậm, cho thấy sự quyết liệt đẩy mạnh hoạt động này của Chính phủ.
“Đối với đầu tư công có hai hiệu ứng tác động, đầu tiên là số nhân tài khóa hay còn gọi là hiệu ứng lan tỏa. Khi Chính phủ đầu tư công thì Kho bạc Nhà nước sẽ đẩy tiền lại cho các ngân hàng và giải ngân chi tiêu công đi vào khu vực tư nhân. Từ đó tác động tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, cũng có một hiệu ứng tạo rào cản đó là hiệu ứng lấn át, được thể hiện qua số dư tồn kho ở lại Kho bạc Nhà nước. Nghĩa là nếu đầu tư công mà Chính phủ lấy tiền từ Ngân hàng Nhà nước sẽ là số tiền in ra đưa vào ngân hàng thương mại. Đó là tiền ròng đưa vào nền kinh tế thật. Nhưng nếu lượng tiền giải ngân đầu tư công lại từ tiền vay mới hoặc tiền thu thuế, phí sẽ xảy ra tình trạng là số tiền đầu tư công chạy vào túi người dân và sau đó Chính phủ lấy lại vào ngân sách sẽ làm cho vòng xoáy đầu tư công không phát huy hết hiệu quả”, ông Báu phân tích.
Theo nghiên cứu của ADB, mối tương quan của đầu tư công và tăng trưởng kinh tế cho thấy khi GDP tăng trưởng mạnh thì đều có sự hỗ trợ của tăng trưởng đầu tư công. Tuy nhiên sự tác động chỉ chiếm trọng số một cách nhất định và khó có thể bứt phá thì sẽ không thể đạt như kỳ vọng chúng ta mong muốn. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách tài khóa dù chi mạnh, cũng chưa đủ sức để tạo ra một làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025.
S ự dịch chuyển của FDI sẽ tác động rất nhiều về lực lượng lao động, về vốn
Thứ ba, là một số làn sóng lớn tác động đến kinh tế Việt Nam như làn sóng dịch chuyển FDI. Chúng ta đều nhận thấy kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào FDI trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đang nhận quá nhiều ưu đãi. Họ không chỉ có “sức khỏe” về vốn mà còn được nhận nhiều ưu đãi về thuế, khiến các doanh nghiệp nội địa đang bị thắt lại và dần trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho khu vực FDI.
Sự dịch chuyển của FDI sẽ tác động rất nhiều về lực lượng lao động, về vốn. |
Số lượng nhân viên làm việc cho FDI đã chiếm tới 40% lực lượng lao động trong nước. Đây là một con số tương đối lớn, do đó sự dịch chuyển của FDI sẽ tác động rất nhiều về lực lượng lao động, về vốn.
“Tôi tin rằng nếu có một làn sóng nào đủ mới tác động đến kinh tế Việt Nam thì sẽ phải là làn sóng của FDI, làn sóng của công nghệ. Trong hành trình từ khi Việt Nam mở cửa đến nay, chúng ta đã trải qua một vài sự kiện đủ lớn để thấy nó có tác động rất mạnh mẽ đến chu kỳ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Hiện tại, Chính phủ đang kỳ vọng vào làn sóng công nghệ Chip và AI dịch chuyển vào Việt Nam, coi Việt Nam là trung tâm giúp chúng ta có một thời kỳ đỉnh cao giống như thời kỳ dịch chuyển công nghệ của Apple, Samsung, Intel vào Việt Nam trước đó.
Vì vậy, sau khi nhìn tổng thể về tiền tệ, tài khóa, thì đây mới là "mặt trận" giúp cho Chính phủ tự tin hơn để tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới 2025-2030”, CEO WiGroup dự báo.