Dòng họ 500 năm tuổi vừa được vinh danh kỷ lục Việt Nam có ba đời liên tiếp đỗ đại khoa, bốn đời có 5 lần được cử đi sứ
Đây là dòng họ đầu tiên tại Việt Nam có bốn đời liên tục được triều đình cử đi sứ, một thành tích hiếm có trong lịch sử ngoại giao của đất nước.
Dòng họ Nguyễn Trọng – Trung Cần (Nam Đàn, Nghệ An) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng Tôn vinh giá trị Nội dung Kỷ lục  Việt Nam nhờ những thành tựu hiếm có trong lịch sử. Với ba đời liên tiếp đỗ đại khoa và bốn đời liên tục có năm lần được cử đi sứ, dòng họ  đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử bang giao và khoa bảng nước nhà.
Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Trọng – Trung Cần đã tổ chức lễ đón nhận bằng Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam (Ảnh: kyluc.vn)
Theo thông tin trên kyluc.vn, chiều ngày 4/1/2025, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Trọng – Trung Cần đã tổ chức lễ đón nhận bằng Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam. Theo ghi nhận, đây là dòng họ đầu tiên tại Việt Nam có bốn đời liên tục được triều đình cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) để thiết lập bang giao, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, dòng họ còn có ba đời nối tiếp đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân dưới triều đại Hậu Lê – Lê Trung Hưng (1533–1789), trở thành biểu tượng cho truyền thống học vấn và cống hiến phụng sự quốc gia.
Với bề dày lịch sử hơn 500 năm, dòng họ không chỉ khẳng định vị thế qua truyền thống văn hóa và khoa bảng nổi bật của xứ Nghệ mà còn ghi dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực ngoại giao từ thời xa xưa.
Ba đời đỗ đại khoa
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đại diện công bố quyết định xác lập Kỷ lục (Ảnh: kyluc.vn)
Được biết, dòng họ Nguyễn Trọng, vốn có nguồn gốc tại thôn Bến Nễ, xã Ước Lễ (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), sau đó chuyển cư đến làng Trung Cần, xã Nam Trung (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thủy tổ đầu tiên của dòng họ đến định cư tại làng Trung Cần là cụ Nguyễn Trọng Quyên, một người nổi bật với tài năng văn học, y học, và đã từng đảm nhận chức vụ quan trong triều đình.
Nguyễn Trọng Thường (1680 - 1737) là người mở đầu truyền thống khoa bảng danh giá của dòng họ Nguyễn Trọng đất Trung Cần. Năm 22 tuổi, ông đỗ Hương tiến, và đến năm 32 tuổi, ông tham gia khoa thi Nhâm Thìn (1712), đạt Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, xếp thứ 6 trong số 16 người đỗ Đệ tam giáp. Tên tuổi của ông được ghi vào văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trở thành niềm tự hào của dòng họ và quê hương.
Sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường gắn liền với các chức vụ quan trọng trong triều đại Lê - Trịnh. Sau nhiều năm phục vụ đất nước, ông được thăng chức Gia hạnh đại phu, Hình bộ Hữu thị lang, rồi Tư Chính Khánh Hộ bộ Hữu thị lang. Trong hơn 20 năm làm quan, ông đã cống hiến hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết để gìn giữ phép nước, đóng góp vào công cuộc trị quốc an dân của triều đại nhà Lê.
Sau Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, người con trai thứ của ông, Nguyễn Trọng Đương (hay Nguyễn Trọng Đang) (1723 - 1786), tiếp tục nối chí cha và lập nên danh tiếng khoa bảng. Năm 24 tuổi, ông đỗ Hương tiến, và đến năm 46 tuổi, ông tham gia ứng thí và đạt Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân trong khoa Kỷ Sửu (1769) dưới triều Lê Hiển Tông.
Nguyễn Trọng Đương làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh vào năm 1761. Sau khi trở về, ông được thăng chức Đốc trấn Lạng Sơn và tôn vinh tước Lạp Sơn bá. Trong suốt thời gian làm quan, ông nổi tiếng vì tính thanh liêm, chính trực và sự tận tâm với dân, luôn nỗ lực hết mình vì sự an lạc của nhân dân và đất nước. Năm 34 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân trong khoa Kỷ Hợi, Cảnh Hưng 40 (1779), dưới triều vua Lê Hiển Tông.
Trong sự nghiệp quan trường, Nguyễn Trọng Đường đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng, bao gồm Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam, sau đó thăng chức Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá, và làm Đốc đồng Thanh Hoa. Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được triều Nguyễn mời ra làm Kinh hoa điện Đại học sĩ, đồng thời bổ nhiệm chức Đốc học trấn Sơn Nam thượng và phong tước Thanh Ngọc hầu.
Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Trọng tại làng Trung Cần (Ảnh: kyluc.vn)
Dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, với ba vị đại khoa qua ba thế hệ không chỉ là một biểu tượng của truyền thống học vấn mà còn là hình mẫu hiếm hoi trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Cả ba thế hệ đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, một thành tích đặc biệt và khó có dòng họ nào có được.
5 lần được cử đi sứ
Dòng họ Nguyễn Trọng làng Trung Cần không chỉ góp phần lớn cho đất nước với ba vị tiến sĩ, những người có sự nghiệp quan trường hiển hách, "ích nước, lợi dân", mà còn nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao. Trong suốt bốn đời, dòng họ này đã năm lần được cử đi sứ, đóng góp vào việc xây dựng và củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tượng Cần Quận công Nguyễn Trọng Thường (Ảnh: kyluc.vn)
Năm 1734, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường cùng với Nguyễn Tông Quai, Đồng Trung Thư, Nguyễn Đình Bảng và Nguyễn Đăng Cao đảm nhận trọng trách lên Lạng Sơn nghênh tiếp phái đoàn sứ thần Trung Quốc mang sắc phong cho vua Lê Thuần Tông. Không lâu sau, ông được triều đình tin tưởng giao làm Chánh sứ, dẫn đầu phái đoàn sứ bộ sang nhà Thanh thực hiện nhiệm vụ tuế cống.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Trọng Đương bước vào con đường quan trường và nhanh chóng khẳng định tài năng của mình. Năm Đinh Dậu (1777), ông được Tĩnh vương Trịnh Sâm giao trọng trách làm sứ thần sang nhà Thanh. Sau khi trở về, ông được thăng chức Đốc trấn Lạng Sơn và phong tước Lạp Sơn bá.
Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường được giao nhiệm vụ làm Phó sứ, cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và đoàn sứ thần sang tuế cống nhà Thanh. Khi đoàn đi đến Nam Ninh gặp vua nhà Thanh, Nguyễn Trọng Đường vào yết, được vua nhà Thanh đặc ban 4 chữ “Nam giao bình hãn” (Rường cột của cõi Nam) có đóng dấu ngọc ấn 4 chữ “cổ hy thiên tử” - tức dấu của vua Càn Long.
Đồng thời, trong lần đi sứ này, ông cũng được vua Càn Long khen ngợi ban chức “Lưỡng quốc Hàn lâm” và bức đại tự 4 chữ “Tam thế sứ hoa” thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt nổi danh đất Trung Châu.
Con trai của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường là Nguyễn Trọng Võ (hay còn gọi là Nguyễn Trọng Vũ), mặc dù chỉ là một nho sinh nhưng đã sớm nổi danh nhờ tài năng vượt trội. Năm 1821, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Phó Đốc học thành Gia Định, một vị trí quan trọng trong việc phát triển giáo dục và nhân tài.
Một số Sắc phong tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn Trọng (Ảnh: kyluc.vn)
Năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng cử hai đoàn sứ thần sang nhà Thanh, Nguyễn Trọng Vũ được tin tưởng giao trọng trách làm Phó sứ trong một đoàn. Sau khi hoàn thành, ông được thăng chức Thiên sự Công bộ. Tháng 9 năm 1826, Nguyễn Trọng Vũ được bổ nhiệm làm Tham hiệp Sơn Tây, sau đó tiếp tục giữ các chức vụ quan trọng khác như Tham hiệp Nam Định và Hiệp trấn Hưng Hóa.
Tháng 11 năm Mậu Tý (1828), triều đình nhà Nguyễn cử sứ thần sang nhà Thanh và Nguyễn Trọng Võ được gia phong Hữu Thị lang Công bộ, sung chức làm Chánh sứ. Đặc biệt, trong chuyến đi sứ này, ông có sự đồng hành của thứ phu nhân là bà Nguyễn Thị Sách.
Nguyễn Trọng Võ được xem là người kế tục xuất sắc sự nghiệp quan trường của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần. Trong hơn 12 năm phục vụ dưới triều đình, ông đã được thăng chức 18 lần, từ Tư vụ ở Vũ khố đến Thự Hữu Thị lang Bộ Binh, và sau đó là Thự Hữu Tham Tri Bộ Binh. Ông trở thành một vị đại thần quan trọng của triều Nguyễn, có nhiều đóng góp lớn trong việc "yên dân trị quốc", giúp củng cố sự ổn định và phát triển của đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, ngoài ba vị đại khoa và Nguyễn Trọng Võ, dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần còn có nhiều người được bổ nhiệm giữ các chức quan khác nhau trong triều đình và các địa phương trong suốt thế kỷ 18 – 19.
Noi gương tổ tiên, con cháu dòng họ Nguyễn Trọng qua các thế hệ tiếp tục cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số nhân vật tiêu biểu có thể kể đến như nhà văn, nhà khoa học, Đại tá Nguyễn Trọng Khoát; Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nhưỡng. Đặc biệt, dòng họ tự hào khi có Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công an – Trần Quốc Hoàn (tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, 1916–1986).
Là một trong những dòng họ đặc biệt của xứ Nghệ, dòng họ Nguyễn Trọng với bề dày lịch sử hơn 500 năm đã vượt qua nhiều thăng trầm để trở thành chiếc nôi sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất. Được mệnh danh là "một hiện tượng điển hình trong làng khoa bảng" của cả nước, dòng họ này đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam.
Lễ đón nhận bằng Tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam (Ảnh: Báo Nghệ An)
Tên tuổi và công lao của các bậc tiền nhân không chỉ được ghi vào sử sách mà còn trở thành niềm tự hào của hậu thế. Những đóng góp ấy xứng đáng được trân trọng, tưởng nhớ và tri ân, trở thành nguồn cảm hứng để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ Nguyễn Trọng.