Dữ liệu hải quan cho thấy trong tháng trước xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vượt mức kỳ vọng, trong khi nhập khẩu lại không đạt dự báo.
SCMP đưa tin, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc  hồi phục tốt hơn dự kiến trong tháng 5, nhờ hiệu ứng cơ sở thấp hơn (lower base) so với năm trước và nhu cầu nước ngoài được duy trì bất chấp căng thẳng thương mại leo thang.
Điều này mang lại cho Bắc Kinh một con đường đầy hứa hẹn hướng tới mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Theo dữ liệu hải quan công bố hôm 7/6, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 302,4 tỷ USD trong tháng 5.
Con số này đã vượt mức kỳ vọng là 6,35% được khảo sát bởi nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind và cũng cao hơn mức tăng 1,5% trong tháng 4.
Ngược lại, nhập khẩu  chỉ tăng nhẹ 1,8% so với mức tăng 8,4% trong tháng 4 - thấp hơn dự báo tăng trưởng 4,2% của Reuters.
Trong khi đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc đứng ở mức 82,6 tỷ USD trong tháng 5, so với 72,4 tỷ USD của tháng 4.
Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ và giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung. Ảnh: SCMP |
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 5 một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp hơn (nghĩa là lạm phát tương đối ổn định) trong cùng tháng năm ngoái, khi Trung Quốc báo cáo xuất khẩu giảm mạnh 7,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo CNBC, nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và EU đã giảm trong thời gian này.
Tuy nhiên, thương mại với các quốc gia Đông Nam Á lại tăng lên, với xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này đạt 4,1% so với cùng kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5.
Tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lần đầu tiên giảm sau 7 năm vào năm 2023, nhưng nhu cầu nước ngoài gia tăng trong năm nay đang thúc đẩy lĩnh vực thương mại của nước này.
Vì vậy, Bắc Kinh hy vọng rằng họ có thể xoa dịu nhu cầu nội địa đang trì trệ và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% hàng năm.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024 lên 4,8%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đẩy dự báo năm nay lên 5%.
Liên Hợp Quốc cho biết: “Thương mại toàn cầu có thể sẽ phục hồi rõ rệt hơn vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất”.
>> Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc 'bốc hơi' 20% bất chấp hàng loạt biện pháp giải cứu