Dòng vốn nước ngoài tháo chạy với tốc độ chưa từng thấy, FDI giảm 99%: Siêu cường số 1 châu Á lung lay?
Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này đã giảm 99% trong 3 năm qua, do nền kinh tế suy giảm và lo ngại về chiến dịch chống gián điệp ngày càng gắt gao khiến các doanh nghiệp rời đi.
Theo dữ liệu cán cân thanh toán của Trung Quốc mới công bố, dòng vốn đầu tư mới chỉ vừa đủ bù đắp lượng vốn rút ra, với mức ròng 4,5 tỷ USD trong năm 2024 – giảm khoảng 90% so với năm 2023 và chạm mức thấp nhất trong 33 năm qua.
Riêng quý IV/2024, dòng vốn FDI ròng đã quay lại mức dương 17,5 tỷ USD, sau 2 quý liên tiếp bị rút vốn từ tháng 4 đến tháng 9.

FDI đã đạt đỉnh 344 tỷ USD vào năm 2021, nhưng bắt đầu lao dốc mạnh từ quý II/2022 khi Thượng Hải bị phong tỏa do chính sách zero-COVID, gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế.
Trước đây, chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã thu hút nguồn vốn, nhân tài và công nghệ từ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chiến lược zero-COVID đã tạo ra sự bất định đối với các nhà đầu tư ngoại, khiến mô hình tăng trưởng này rơi vào bước ngoặt lớn.
Bên cạnh đó, những lo ngại về an ninh quốc gia ngày càng gia tăng, bao gồm cả chiến dịch trấn áp gián điệp, trong khi triển vọng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài rút lui
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc trong năm qua, như IBM, Microsoft và Cisco Systems đã cắt giảm hoặc chuyển hướng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) do các hạn chế trong việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài và sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của chính phủ đối với internet.
Một đại diện tại một công ty Mỹ cho biết, việc không thể chia sẻ dữ liệu đã khiến việc hợp tác với các trung tâm R&D tại Mỹ trở nên khó khăn hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngày càng cắt giảm dịch vụ từ các gã khổng lồ công nghệ Mỹ để chuyển sang các lựa chọn nội địa cạnh tranh.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, nhiều ngành công nghiệp khác cũng chứng kiến sự rút lui của các tập đoàn nước ngoài.
Trong lĩnh vực sản xuất, Nippon Steel (Nhật) đã kết thúc liên doanh kéo dài nửa thế kỷ với Baoshan Iron & Steel, một công ty con của Tập đoàn Thép Baowu (Trung Quốc). Theo truyền thông Hàn Quốc, POSCO Holdings đang cân nhắc bán một nhà máy thép không gỉ ở tỉnh Giang Tô.
Với ngành lốp xe, năm 2024, Bridgestone đã ngừng sản xuất và bán lốp xe tải, xe buýt tại Trung Quốc. Sumitomo Chemical, tập đoàn hóa chất khổng lồ, cũng đang rút khỏi mảng sản xuất màng phân cực cho màn hình LCD lớn.
Các hãng xe nước ngoài cũng đang thu hẹp quy mô do chậm trễ trong việc thích ứng với làn sóng xe điện tại Trung Quốc . General Motors đã ghi nhận khoản lỗ 4 tỷ USD vào năm ngoái liên quan đến việc tái cấu trúc liên doanh với SAIC Motor. Các thương hiệu Nhật Bản như Nissan và Honda buộc phải cắt giảm nhân sự và công suất sản xuất.
Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, chỉ có 16% doanh nghiệp Nhật cho biết họ có ý định đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc năm 2025. Trong khi đó, 21% số công ty được hỏi có kế hoạch giảm đầu tư và 20% cho biết họ sẽ không đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào trong năm nay.
Xu hướng này có thể gia tăng sau khi ông Donald Trump  đã trở lại nắm quyền Tổng thống Mỹ, các chính sách thuế quan mới có thể thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc hoặc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác.
Theo Nikkei Asia
>> Loại tài sản ‘đắt xắt ra miếng’ vẫn hút dòng tiền, các NHTW đua nhau ‘gom hàng’