Quốc tế

Dòng vốn toàn cầu rời Trung Quốc, chảy vào Ấn Độ và Việt Nam

Thuỷ Tiên 02/08/2023 - 15:35

Không phải Trung Quốc, dòng vốn toàn cầu đang hướng tới các thị trường châu Á mới nổi khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, dòng vốn toàn cầu đang rời khỏi Trung Quốc để hướng tới các thị trường châu Á mới nổi khác như Ấn Độ và Việt Nam, trong bối cảnh giới đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế với ít rủi ro kinh tế và địa chính trị hơn.

Trung Quốc "thất sủng"

“Nhà đầu tư nước ngoài đang mua mạnh tài sản ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc trong 4 tháng vừa qua", theo Sunil Koul, Chiến lược gia về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs.

Cụ thể, dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy trong vòng 12 tháng tính đến giữa tháng 7/2023, giới đầu tư đã chi 39 tỷ USD mua vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi châu Á (không tính Trung Quốc). Đánh dấu lần đầu tiên từ năm 2017 con số này cao hơn dòng vốn chảy vào cổ phiếu Trung Quốc đại lục (32 tỷ USD) thông qua chương trình Kết nối chứng khoán (Stock Connect).

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi sau 3 năm thực hiện chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt, tuy nhiên đà hồi phục lại diễn ra chậm chạp bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao kỷ lục.

Hơn nữa, các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu còn lo lắng về hậu quả của một cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan (Trung Quốc), theo Hiroshi Matsumoto, thành viên cấp cao tại Pictet Asset Management.

"Có lo ngại rằng tài sản có thể bị đóng băng hoặc trở nên khó bán, giống như những gì đã xảy ra với Nga sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra", ông Matsumoto cho hay.

Dòng vốn toàn cầu rời Trung Quốc, chảy vào Ấn Độ và Việt Nam
Ảnh minh họa.

Dòng vốn chảy vào Ấn Độ, Việt Nam

Ấn Độ ghi nhận 12,8 tỷ USD vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán tính đến năm 2023, vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc – những thị trường đang nổi lên nhờ chất bán dẫn.

Sức hấp dẫn của Ấn Độ một phần nằm ở kỳ vọng gia tăng nhu cầu nội địa khi tầng lớp trung lưu nước này ngày càng mở rộng. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, dân số Ấn Độ tăng cao hơn Trung Quốc vào giữa năm khi đạt khoảng 1,43 tỷ dân, với khoảng cách dự kiến sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng dự đoán các công ty đa quốc gia lớn sẽ chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices của Mỹ tuần trước dự kiến đầu tư 400 triệu USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, bao gồm cả vào một trung tâm thiết kế mới sẽ là trung tâm lớn nhất của công ty.

Dòng tiền cũng đang chảy vào Việt Nam, chỉ số VN-Index đã tăng 20% từ đầu năm đến nay.

“Chi phí lao động thấp, chính trị ổn định nên có nhiều công ty xem Việt Nam là trung tâm sản xuất mới và địa điểm để đầu tư thay thế cho Trung Quốc”, theo Shinichiro Akematsu, chuyên gia tại Aizawa Securities.

Nhà sản xuất linh kiện điện tử Hàn Quốc LG Innotek hiện đang đầu tư 1 tỷ USD để đẩy mạnh sản xuất mô-đun camera tại thành phố Hải Phòng.

Dự đoán về đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên cũng đã thúc đẩy cổ phiếu của các nhà phát triển khu công nghiệp Kinhbac City Development Holding và Long Hậu, lần lượt tăng 36% và 31% so với đầu năm. Cổ phiếu công ty hạ tầng chuyên về kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (FCN) cũng đã tăng mạnh 80% trong năm nay, theo Nikkei Asia.

Trung Quốc siết chặt quy định xuất khẩu công nghệ lithium, đáp trả động thái của Mỹ

Siêu dự án chuyển nước từ Nam lên Bắc quy mô hàng đầu thế giới: Huy động 70 tỷ USD, di dời ít nhất 330.000 người, dự kiến hoàn thành năm 2050

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-von-toan-cau-roi-trung-quoc-chay-vao-an-do-va-viet-nam-194928.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dòng vốn toàn cầu rời Trung Quốc, chảy vào Ấn Độ và Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH