Đồng yên thấp kỷ lục khiến người lao động Nhật làm 1 giờ chỉ kiếm đủ tiền mua được 2 chiếc hamburger
Giá bánh hamburger thấp hơn không có nghĩa là rẻ đối với người lao động.
Tiền lương tại Nhật Bản đang ở mức thấp so với các nước phát triển, theo phân tích của Nikkei sử dụng chỉ số Big Mac – một phương pháp đo lường giá trị đồng tiền dựa trên giá bánh hamburger Big Mac của McDonald's, mặt hàng thức ăn nhanh phổ biến trên toàn cầu.

Cụ thể, một lao động tại Nhật Bản làm việc 1 giờ trong nhà hàng hoặc cửa hàng bán lẻ chỉ đủ mua 2,18 chiếc Big Mac, trong khi con số này ở Úc là 3,95. So với 5 năm trước, số Big Mac mà người lao động Nhật có thể mua đã giảm 0,2 chiếc do mức lương tăng chậm hơn lạm phát.
Việc so sánh dữ liệu kinh tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái và sự khác biệt về môi trường làm việc. Một cách để giảm thiểu tác động của tỷ giá là so sánh giá của cùng một mặt hàng được bán rộng rãi ở nhiều quốc gia. Big Mac là một ví dụ điển hình và đã được sử dụng trong phân tích mới nhất về tiền lương tại Nhật Bản và các nước khác.
Cụ thể, tờ Nikkei Asia cho hay họ đã sử dụng dữ liệu từ Indeed, một trang web việc làm toàn cầu của Mỹ, thu thập dữ liệu về mức lương theo giờ của nhân viên tại 22 chuỗi nhà hàng và cửa hàng bán lẻ toàn cầu, bao gồm McDonald's.
Đồng thời, Nikkei đã sử dụng giá Big Mac địa phương do tờ The Economist tại Anh công bố để tính toán số lượng bánh hamburger Big Mac mà người lao động có thể mua cho một giờ làm việc tại quốc gia hoặc khu vực của họ.
Phương pháp này giúp đo lường giá trị của cùng một công việc thông qua cùng một sản phẩm. Theo The Economist, giá của một chiếc Big Mac tại Nhật Bản vào tháng 7/2024 là 3,2 USD, thấp hơn gần 50% so với Mỹ và Anh, tạo cảm giác rằng thức ăn nhanh tại Nhật Bản khá rẻ.
Tuy nhiên, theo Yusuke Aoki, nhà kinh tế tại Indeed Nhật Bản, mức giá này không hẳn là "một món hời" đối với người lao động trong nước.
Số lượng Big Mac có thể mua được bằng lương theo giờ tại Nhật Bản  đã giảm 0,2 chiếc trong năm năm qua. Trong cùng kỳ, mức lương theo giờ tăng 11% nhưng giá Big Mac lại tăng 23%.
Lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương
Kể từ khi bong bóng kinh tế vỡ vào thập niên 1990, tiền lương tại Nhật Bản tương đối ổn định. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các biến động địa chính trị gần đây đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao, khiến lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương.
Tệ hơn, để kích thích nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã duy trì lãi suất âm trong nhiều năm. Điều này khiến đồng yên yếu đi, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, nhưng thay vì tăng lương cho người lao động, phần lớn lợi nhuận lại rơi vào tay cổ đông, khiến thu nhập thực tế của người dân bị thu hẹp.
Một nhân viên McDonald's tại khu Ginza, Tokyo, chia sẻ, "Mức lương giữa các lĩnh vực dịch vụ không có sự chênh lệch đáng kể. Việc tăng lương để nâng cao kỹ năng hầu như không xảy ra, nếu có thì chỉ khoảng 10-20 yên (tương đương 0,065-0,13 USD)".

Nếu tính theo USD, thu nhập trung bình theo giờ của lao động phổ thông Nhật Bản chỉ còn 7 USD vào năm 2024, giảm so với mức 8,6 USD năm 2019. Đáng chú ý, lương theo giờ tại Nhật Bản đã thấp hơn so với các nước láng giềng châu Á như Singapore và Hàn Quốc do đồng yên mất giá quá mạnh so với USD.
Năm 2024, đồng yên đã rơi xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với USD. Điều này giúp các tập đoàn xuất khẩu như Toyota Motor đạt lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu tăng vọt.
Tuy nhiên với người dân Nhật Bản, đồng Yên  yếu chẳng làm được gì hơn ngoài việc khiến chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ lao động trong GDP của Nhật Bản năm 2024 chỉ đạt 54%, giảm hai điểm phần trăm so với năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với mức trên 50% tại Mỹ và châu Âu.

Chỉ số niềm tin kinh doanh dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp cho thấy, tại Mỹ và châu Âu, niềm tin giữa hai nhóm này khá tương đồng. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp lại có niềm tin cao hơn so với người tiêu dùng, cho thấy lợi nhuận vẫn tập trung vào doanh nghiệp hơn là người lao động.
Xu hướng tăng lương không chỉ giới hạn ở lao động toàn thời gian, mà còn mở rộng sang lao động bán thời gian – đặc biệt là người cao tuổi, nhóm đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong lực lượng lao động.
UA Zensen - một liên minh công đoàn trong các ngành nhà hàng và bán lẻ - dự kiến sẽ yêu cầu tăng 7% lương cho lao động bán thời gian trong đợt đàm phán mùa xuân sắp tới, đặc biệt khi số lượng người cao tuổi tham gia lực lượng lao động bán thời gian ngày càng tăng.
Tamon Nishio, tổng thư ký của UA Zensen, khẳng định, “Chúng tôi sẽ thay đổi hình ảnh 'Nhật Bản giá rẻ' trong năm nay”.
Theo Nikkei Asia
Ông Trump sắp áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu, các ông lớn Nhật Bản gấp rút ứng phó 
Tài sản của giới siêu giàu Nhật Bản chạm mốc kỷ lục 3.100 tỷ USD