Dự án đường sắt cao tốc huyết mạch hơn 1.200km, chi phí khoảng 140 tỷ USD: Nhất trí chọn công nghệ cao Nhật Bản thay vì Trung Quốc
Dự án đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, bao gồm việc tạo ra hơn 14.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và mở rộng hợp tác với 875 doanh nghiệp nhỏ.
Siêu dự án đường sắt cao tốc California - kết nối 2 thành phố lớn là Los Angeles và San Francisco - sẽ tiếp tục được xây dựng trong năm 2025, Newsweek đưa tin.
Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông tham vọng nhất của nước Mỹ , với mục tiêu cải thiện hoạt động di chuyển giữa các khu vực lớn của tiểu bang, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời hạn chế khí thải carbon.
Tuyến đường sắt cao tốc này gồm một đoạn dài khoảng 795km, nối San Francisco đến Los Angeles qua Anaheim và sẽ đạt tổng chiều dài khoảng 1.287km khi hoàn thành cả giai đoạn 2, mở rộng tuyến lên Sacramento ở phía Bắc và xuống San Diego ở phía Nam.
Được biết, tốc độ tối đa của tuyến đường lên tới 354km/h và giúp giảm thời gian di chuyển từ Los Angeles đến San Francisco xuống còn khoảng 2 giờ 40 phút.
Dự án bắt đầu được đề xuất vào cuối những năm 1990 và nhận được sự ủng hộ chính thức từ cử tri California qua một cuộc trưng cầu ý kiến vào năm 2008, đồng thời cho phép phát hành trái phiếu trị giá 9,95 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho dự án.
Ban đầu, vốn đầu tư của tuyến đường sắt cao tốc California này dự kiến vào khoảng 40 tỷ USD, nhưng chi phí ước tính hiện đã tăng lên 140 tỷ USD, tùy thuộc vào lộ trình và quy mô cuối cùng, theo ABC7 News.
Dự án được cho là đã sử dụng nhiều công nghệ từ Nhật Bản, thay vì Trung Quốc - quốc gia vốn nổi tiếng thế giới là sở hữu công nghệ đường sắt vô cùng tiên tiến. Cụ thể, tuyến đường sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc Shinkansen được phát triển bởi Nhật Bản .
Theo Cơ quan Quản lý Đường sắt Cao tốc California, dự án đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, bao gồm việc tạo ra hơn 14.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và mở rộng hợp tác với 875 doanh nghiệp nhỏ.
Theo Newsweek, công việc vào năm 2025 sẽ tập trung xây dựng đoạn Central Valley giữa Merced và Bakersfield, với chiều dài 275km. Đây sẽ là phần đầu tiên của tuyến đi vào hoạt động, dự kiến bắt đầu từ năm 2030 đến 2033.
Trong số 93 công trình thuộc đoạn Central Valley này, 85 công trình đã hoàn thành hoặc đang triển khai. Việc thiết kế và xây dựng các nhà ga trong khu vực Central Valley cũng sẽ được xúc tiến.
Dự án đường sắt cao tốc California, dù gặp nhiều khó khăn, vẫn được xem là biểu tượng của tham vọng cải tiến giao thông tại Mỹ. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng huy động vốn và giải quyết các vấn đề chính trị liên quan.
Tham khảo Newsweek, ABC7 News, LA Times