Dự án đường sắt gần 12 tỷ USD, dài hơn 400km, đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam dự kiến khởi công vào năm 2027
Vào tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Ban Quản lý Dự án Đường sắt vừa gửi báo cáo tới Bộ Giao thông vận tải về tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt  Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đây là tuyến đường sắt được xây mới với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc nhằm triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Kế hoạch hợp tác kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, giảm phát thải.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đặt mục tiêu hoàn thiện và thẩm định nội bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2025. Sau đó, báo cáo sẽ được trình Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định vào khoảng tháng 2-3/2025. Đề án chủ trương đầu tư dự kiến được trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 3-4/2025, trước khi trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào tháng 5/2025.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến khởi công vào năm 2027. Nguồn ảnh: Internet |
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị tư vấn sẽ triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ tháng 5/2025 và hoàn thành trong tháng 5/2026. Sau đó, quá trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 9/2026. Các thủ tục và việc ký kết hiệp định vay vốn sẽ được thực hiện trong tháng 11/2026. Tiếp theo, công tác đấu thầu xây lắp và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi công dự án sẽ được tổ chức với kế hoạch khởi công chính thức vào tháng 7/2027.
Được biết, vào tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện nay, đơn vị tư vấn trong nước đã phối hợp chặt chẽ với tư vấn Trung Quốc hoàn thành báo cáo đầu kỳ thuộc giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện các bên đang tiếp tục triển khai lập báo cáo giữa kỳ, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2024, hướng tới mục tiêu hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 12/2024.
Ban quản lý dự án đường sắt đã làm việc với 9/9 địa phương để xin ý kiến về hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga. Đến nay, các địa phương đã cơ bản thống nhất với hướng tuyến, quy mô, vị trí nhà ga do tư vấn đề xuất.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 417km, bao gồm chính tuyến dài 396,67km và 2 nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài 20,33km. Tuyến đường đi qua địa phận của 9 tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án có mục tiêu dựng mới tuyến đường sắt cấp I theo TCVN 8893:2020, khổ tiêu chuẩn 1435mm, điện khí hóa, vận tải chung hành khách và hàng hóa.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 11,6 tỷ USD, trong khi sơ bộ tổng mức đầu tư cụ thể sẽ được xác định trong báo cáo cuối kỳ thuộc giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 1 tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường đơn, hoàn thiện các công trình trên tuyến và tiến hành giải phóng toàn bộ mặt bằng, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8,57 tỷ USD. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hoàn thiện tuyến đường đôi và xây dựng các công trình còn lại trên tuyến, tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt.
Về nguồn vốn, dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA/ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và các nguồn vốn hợp pháp khác.
>> Robot đào ngầm đã đào được hơn 600m đường sắt ngầm đầu tiên ở Hà Nội 
Robot đào ngầm đã đào được hơn 600m đường sắt ngầm đầu tiên ở Hà Nội 
ĐBQH nêu đề xuất đặc biệt về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67,3 tỷ USD