Bất động sản

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Cuộc chơi lớn' mà nhiều doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc

Hải Đăng 29/10/2024 17:30

Vốn là dự án có quy mô lớn chưa từng có tiền lệ ở nước ta, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đang nhận được sự quan tâm và mong muốn tham gia góp sức của không ít doanh nghiệp trong nước.

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam không chỉ là một phần trong chiến lược phát triển giao thông của Việt Nam mà còn được xem là động lực mạnh mẽ cho những bước chuyển mình toàn diện đối với hệ thống hạ tầng. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên sự bứt phá cho nền kinh tế của cả nước.

Một "cuộc chơi lớn"

Chia sẻ trên Tạp chí Vietnam Finance, PGS. TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), thành viên Tổ tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ việc lựa chọn phương án tốc độ thiết kế chạy tàu 350km/h.

Vị chuyên gia này cho rằng cần phải "đi tắt đón đầu" trong đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bởi vì trên thực tế, nước ta đã có kinh nghiệm thành công khi "đi tắt đón đầu" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo ra đột phá lớn đối với nhiều doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Cuộc chơi lớn' mà nhiều doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Ông Trần Chủng cho rằng đường sắt tốc độ cao đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về thiết kế, hướng tuyến và độ cong của đường. Chẳng hạn, đường cong của tuyến tàu với tốc độ 250km/h chỉ vào khoảng 3.500m, trong khi với tốc độ 350km/h thì độ cong phải lên tới 8.000m và các yếu tố kỹ thuật của hệ thống ray rất phức tạp.

"Nhiều nước khi nâng cấp từ đường sắt 250km/h lên 350km/h đều gặp khó khăn lớn, thậm chí phải xây lại tuyến mới. Vì vậy, nên xây dựng luôn đường sắt tốc độ 350km/h để tránh phải nâng cấp sau này", PGS.TS Trần Chủng phân tích.

Theo PGS.TS Trần Chủng, việc xây dựng đường sắt tốc độ 350km/h còn nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ông cho rằng nếu đường sắt muốn cạnh tranh với hàng không thì tốc độ 350km/h, cho phép hành trình từ Hà Nội đến TP. HCM chỉ mất khoảng 5,5 giờ, sẽ là lựa chọn của hành khách.

Tuy nhiên, với tốc độ 250km/h, thời gian di chuyển lâu hơn máy bay, khiến đường sắt khó thu hút khách hàng trong cuộc đua thị phần với hàng không trong tương lai.

>> Sẽ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt

Về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng cho biết dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ mở ra tiềm năng lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông.

Ông nhận định, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Tuy năng lực các nhà thầu nội địa hiện đã đáp ứng được các hạng mục như xây dựng đường, móng, trụ, và hầm đường bộ, nhưng việc tính toán và triển khai kỹ thuật cho đường sắt cao tốc vẫn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu hơn.

PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh, để biến cơ hội này thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay chuẩn bị ngay từ bây giờ, trong đó quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực.

Mặc dù những kinh nghiệm trước đây là nền tảng vững chắc, nhưng cần phát triển thêm tư duy và tri thức mới. Ông cũng đánh giá cao sự phát triển của các nhà thầu Việt Nam khi hiện nay, máy móc đã thay thế nhiều phần công việc trong các công trường cao tốc.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Cuộc chơi lớn' mà nhiều doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đối với dự án đường sắt tốc độ cao, sự tham gia của robot và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu nguy cơ cho người lao động.

"Các doanh nghiệp giao thông Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, nhưng không nên hài lòng với những gì đã có. Thách thức sắp tới sẽ đòi hỏi không chỉ về khoa học công nghệ mà còn về áp lực thời gian. Doanh nghiệp cần coi các thành tựu quá khứ là hành trang để sẵn sàng cho cuộc chơi lớn mang tên đường sắt tốc độ cao", PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, đòi hỏi sự tập trung tối đa về nguồn lực và công nghệ cao.

Theo Bộ GTVT, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư trong quá khứ, phần lớn các công trình kỹ thuật phức tạp như hầm và cầu dây văng được đảm nhiệm bởi nhà thầu nước ngoài, còn nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tích cực tham gia vào các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025.

Nhờ đó, các nhà thầu trong nước đã tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm trong các công trình quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp; đội ngũ nhân sự cũng ngày càng trưởng thành, có thêm kinh nghiệm quản lý và thi công, đồng thời nhiều thiết bị máy móc hiện đại đã được đầu tư.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.

Theo Tạp chí VnEconomy, trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD. Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.

>> Mới nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ước tính tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt lên tới 17 tỷ USD

Mới nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ước tính tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt lên tới 17 tỷ USD

Sẽ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-cuoc-choi-lon-ma-nhieu-doanh-nghiep-mong-muon-nhap-cuoc-256786.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: 'Cuộc chơi lớn' mà nhiều doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH