Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD sẽ có khoảng 14 nội dung cần thẩm định
Các thành viên cần nghiên cứu và đưa ra ý kiến thẩm định chính thức về hồ sơ giải trình bổ sung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với thời hạn gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 14/10/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án đường sắt tốc độ  cao trên trục Bắc - Nam vừa có văn bản gửi các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này.
Trong văn bản, cơ quan thường trực đề nghị các thành viên nghiên cứu và đưa ra ý kiến thẩm định chính thức về hồ sơ giải trình bổ sung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với thời hạn gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 14/10/2024.
Theo kế hoạch, dự án đường sắt sẽ có khoảng 14 nội dung cần thẩm định đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đáng chú ý là các nội dung về sự cần thiết đầu tư; điều kiện thực hiện đầu tư; đánh giá dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ; mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư.
Ngoài ra, hội đồng thẩm định cần xem xét về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ công nghệ, kỹ thuật chính, cũng như điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ và hạ tầng. Các phương án đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của việc huy động vốn và khả năng cân đối nguồn vốn cũng là những nội dung quan trọng trong quá trình thẩm định.
Trước đó, vào ngày 2/10/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình số 10625/TTr-BGTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, được hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Vào sáng 5/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu tối đa các ý kiến từ Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định.
Hồ sơ cần được hoàn thiện trước ngày 20/10/2024 để trình Quốc hội với tinh thần "nghiên cứu kỹ càng, triển khai nhanh chóng".
Thủ tướng nhấn mạnh việc cần phân tích rõ hiệu quả của dự án, không chỉ về mặt kinh tế mà còn phải đánh giá toàn diện. Ông yêu cầu đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt với hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh khu dân cư lớn, nhằm tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát suất đầu tư và tổng mức đầu tư để đảm bảo tính chính xác; đồng thời, đề xuất các cơ chế đặc thù, nhất là về huy động nguồn lực, quy trình thủ tục, các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng... với phương châm "thủ tục phải rút gọn, thi công rút ngắn".
Về nguồn lực, Thủ tướng chỉ đạo đề xuất cơ chế huy động đa dạng các nguồn, bao gồm đầu tư công từ Trung ương, địa phương, nguồn lực từ phát hành trái phiếu, vốn vay và các nguồn lực hợp pháp khác. Đồng thời, Thủ tướng đốc thúc huy động tổng lực về nguồn nhân lực và phương tiện của cả nước để phục vụ dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.