Việc làm hầm xuyên núi trên đoạn đường cao tốc Bắc - Nam gặp nhiều khó khăn, sự trợ giúp của công nghệ hiện đại đã tác động đến quá trình triển khai dự án.
Hầm Sơn Triệu là hạng mục quan trọng trong dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, thuộc cao tốc Bắc - Nam . Hầm có tổng chiều dài 960m, trong đó bao gồm quảng trường hai cửa hầm và các ống hầm. Tuyến hầm vượt qua núi Sơn Triệu thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ống hầm phải có chiều dài 535m, hầm trái có chiều dài 600m. Mỗi ống hầm được xây dựng 3 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h.
Sau nhiều tháng thi công, vào đầu tháng 4, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đã tổ chức thông hầm Sơn Triệu. Đặc biệt, việc thông hầm Sơn Triệu đã vượt tiến độ đề ra 1 tháng. Hiện các đơn vị thi công đang tiếp tục nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác hầm Sơn Triệu vào tháng 9/2025, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh với tổng chiều dài tuyến 61,7km. Trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 19,6km, qua địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 42km. Hầm Sơn Triệu là một hạng mục quan trọng của dự án này.
Ở thời điểm bắt đầu khởi công, toàn bộ 2 phía cửa hầm đều gặp vướng mắc như về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường điện cao thế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng liên danh nhà thầu cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh  cho biết trên báo Lao Động, ngay từ khi khởi công dự án, toàn bộ 2 phía cửa hầm đều gặp nhiều khó khăn như vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường điện cao thế. Vì vậy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công đã phối hợp để đưa ra nhiều giải pháp chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.
Việc thông hầm Sơn Triệu trước kế hoạch là một thành công, nỗ lực đáng kể của tập thể kỹ sư, lao động, chủ đầu tư, đặc biệt phải kể đến sự trợ giúp đắc lực của các công nghệ hiện đại.
Dự án hầm Sơn Triệu đã sử dụng robot khoan hầm Sanvik DT821 được xem là hiện đại nhất cả nước, các mũi thi công được trang bị máy phun vẩy bê tông robot Meyco, máy xúc lật "khủng" dung tích gầu 4m3. Bên cạnh đó, tại mỗi ống hầm đều huy động 4 robot khoan hầm Sanvik DT821, loạt máy phun vẩy bê tông robot Meyco công suất 30 khối/h, đông cứng ngay. Phía thi công cũng đã áp dụng công nghệ đào và gia cố hầm NATM - công nghệ hiện đại của Áo, từng được sử dụng trong quá trình thi công hầm Núi Vung, góp phần đẩy nhanh quá trình đào hầm.
Nhờ hàng loạt giải pháp trên, trung bình mỗi ngày 2 mũi khoan hầm tiến sâu khoảng 10m, mỗi gương đào chu kỳ 1-3m (tùy đá tốt xấu), mỗi chu kỳ đào rút ngắn tối đa còn 18 tiếng (so với trung bình khoảng 24 tiếng).
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho biết, việc thông hầm sớm tạo động lực rất lớn để đẩy nhanh tiến độ dự án, giúp các nhà thầu có thêm thời gian luân chuyển máy móc, thiết bị, đáp ứng công tác điều phối vật liệu từ cửa Bắc sang cửa Nam của hầm.
Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 14.800 tỷ đồng và được khởi công vào 1/1/2023. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Tổng chiều dài dự án toàn tuyến là gần 62km đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Đoạn cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh sau khi hoàn thành sẽ kết nối với các dự án thành phần khác của cao tốc Bắc - Nam tạo nên trục giao thông thuận lợi xuyên suốt khắp đất nước. Nếu đi vào hoạt động, cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Phú Yên đến TP. Hồ Chí Minh từ 8h hiện nay xuống còn 5h và từ Phú Yên đến Hà Nội từ 20h xuống còn 14h.