Dự án hồ nước hơn 4.000 tỷ, là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc: Sở hữu đập đất cao bậc nhất Việt Nam
Dự án hồ chứa nước này có tiện ích mặt nước rộng hơn 13km2 - gần 2,5 lần so với hồ Tây (Hà Nội).
Dự án hồ chứa nước  Cánh Tạng nằm tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, với kế hoạch ban đầu hoàn thành trong quý II/2022. Công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn vốn, dự án hồ Cánh Tạng vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quyết định nâng tổng mức đầu tư từ 3.115 tỷ đồng lên hơn 4.128 tỷ đồng (tăng hơn 1.013 tỷ đồng), đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến năm 2026.
Hồ chứa nước Cánh Tạng được coi là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất tại miền Bắc, với diện tích mặt nước rộng hơn 13km2 - gần 2,5 lần so với hồ Tây (Hà Nội). Về dung tích, hồ có khả năng chứa khoảng 95 triệu m3 nước, gấp 3 lần hồ Đại Lải và gấp 10 lần hồ Tây.
Công trình này cũng nổi bật với đập chính cao 53,2m và dài hơn 850m, cùng với đập phụ dài hơn 160m và cao 36,5m làm cho hồ Cánh Tạng trở thành một trong những đập đất cao nhất Việt Nam. Những thông số này gần bằng với đập Ngàn Trươi tại tỉnh Hà Tĩnh - công trình đang giữ kỷ lục là đập đất thủy lợi cao nhất Việt Nam, với chiều cao đỉnh đập là 57m.
>> Một huyện ngoại thành Hà Nội thu hồi gần 2.000m2 đất xây tuyến đường hơn 6.000 tỷ đồng 
Bên cạnh đó, hồ Cánh Tạng còn được trang bị hệ thống đường ống dẫn nước dài 36km, đủ khả năng cung cấp nước cho khoảng 90km2 đất canh tác thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Diện tích này lớn hơn 1,5 lần diện tích quận Long Biên (Hà Nội) và xấp xỉ với diện tích huyện Nhà Bè (TP. HCM).
Ngoài việc cấp nước và điều tiết lũ, hồ Cánh Tạng với diện tích mặt nước rộng lớn còn mang lại tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản và đảm bảo dòng chảy môi trường cho hạ du trong mùa khô.
Theo quy hoạch, huyện Lạc Sơn được định hướng phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hồ chứa nước Cánh Tạng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, với các loại hình như homestay, nghỉ dưỡng ven hồ và chèo thuyền.
Mô hình này đã được triển khai thành công ở nhiều nơi, điển hình là hồ Đại Lải tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu, hồ Đại Lải được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Hiện nay, xung quanh hồ đã phát triển nhiều nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi, biến nơi đây thành điểm đến nghỉ dưỡng cuối tuần được ưa chuộng bởi người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận.
>> Cập nhật tình hình chung cư: Nhà giá rẻ vắng bóng, căn hộ cao cấp áp đảo thị trường