Thanh tra Chính Phủ chỉ ra các hạn chế còn tồn đọng tại dự án của một doanh nghiệp bất động sản có cổ phiếu tăng không thấy đỉnh và "ổn định" hàng đầu thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ trang Thanh tra Chính phủ (TTCP), quá trình thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình, cơ quan này đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế.
Qua kiểm tra, một số dự án có quy mô trên 5ha nhưng không lập quy hoạch chi tiết 1/500, không bố trí nhà ở xã hội, gồm: Trung tâm Liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Khu Du lịch sinh thái hồ Đồng Thái; Bến xe khách phía Đông TP. Ninh Bình; Nhà máy Chế biến gỗ cao cấp tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; Khu Dân cư Bình Minh huyện Nho Quan; Khu Công nghiệp Gián Khâu; Khu Đô thị mới phía Bắc TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Kết luận TTCP còn cho biết, dự án Khu Đô thị mới phía Bắc TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư; có hạn chế, thiếu sót trong việc đánh giá hồ sơ sơ tuyển. Cần rà soát, xử lý theo quy định việc chậm xác định nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất đối với dự án trên.
Phối cảnh dự án Khu Đô thị mới phía Bắc TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư. |
Được biết dự án này nằm tại xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình và xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư do CTCP Kosy (HSX: KOS ) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 40,7ha với tổng vốn đầu tư 1.220 tỷ đồng. Dự kiến ban đầu, KOS sẽ khởi công xây dựng từ quý III/2020.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, KOS cho biết năm 2020 đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng để thực hiện dự án trên với kế hoạch sử dụng vốn đã được thông qua là 135 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ sử dụng vốn đã hoàn thành 100%.
Tính đến ngày 31/12/2023, KOS đang ghi nhận 74,9 tỷ đồng hàng tồn kho đối với dự án Kosy Ninh Bình, chỉ tăng 150 triệu đồng so với ngày đầu năm.
Cổ phiếu "không đỉnh", ổn định hàng đầu thị trường
Diễn biến cổ phiếu KOS (Nguồn: Fire Ant) |
Về Kosy, đây là doanh nghiệp được thành lập từ tháng 3/2008 do ông Nguyễn Việt Cường làm Chủ tịch HĐQT, hiện đang sở hữu 35,4% vốn điều lệ.
Bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM từ quý IV/2017 và HoSE từ ngày 22/7/2019, cổ phiếu KOS đã liên tục tăng giá từ vùng 13.000 đồng/cp lên 40.000 đồng/cp với mức tăng ổn định, không hề có 1 nhịp điều chỉnh lớn. Kết thúc phiên giao dịch, tăng/giảm của cổ phiếu thường dưới 0,5%. Hiện tại, cổ phiếu này vẫn đang ở vùng đỉnh thời đại.
Từ năm 2020 đến nay, thanh khoản KOS thường xuyên duy trì ở mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên (dao động nhiều ở khoảng 300.000 - 400.000 cổ phiếu/phiên), số lượng cổ đông ít thay đổi. Tính đến ngày 22/5/2023, công ty có 437 cổ đông, chỉ tăng hơn 100 cổ đông so với trước thời điểm lên sàn HoSE năm 2019.
Có thể nói, KOS là cổ phiếu "ổn định" hàng đầu thị trường.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Kosy ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.316 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng, cả 2 chỉ số gần như không thay đổi so với năm 2022.
Tính hết ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Kosy ở mức 4.753,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Chủ yếu doanh nghiệp dồn vào hàng tồn kho (chiếm 52%) với các dự án Kosy Sông Công, Kosy Lào Cai, Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng 11, Kosy Hà Nam...
Vốn chủ sở hữu là 2.301,2 tỷ đồng và nợ phải trả là 2.447,3 tỷ đồng (trong đó nợ vay chiếm 78,9%). Với thị giá hiện tại, mức vốn hóa thị trường của KOS đang gấp 3,8 lần giá trị sổ sách.
>> Thanh tra Chính phủ 'sờ gáy' đại dự án 2.185ha của một công ty sắp bị hủy niêm yết