Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô 3,2 tỷ Đô chính thức bị "xóa sổ"
UBND tỉnh Phú Yên thu hồi gần 134ha đất nhà máy lọc dầu Vũng Rô, dự án "treo" nhiều năm khiến người dân khốn đốn.
UBND tỉnh Phú Yên  vừa ban hành quyết định thu hồi gần 134ha đất tại dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô (phần cảng trên cạn) ở xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, lý do thu hồi lại diện tích đất trên là ban quản lý khu kinh tế Phú Yên đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án nhà máy lọc dầu  Vũng Rô (phần 134ha xây dựng cảng trên cạn) do Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư.
Toàn bộ diện tích thu hồi được giao lại cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Đông Hòa quản lý.
Trước đó, năm 2018, ban quản lý khu kinh tế Phú Yên đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã cấp cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô.
UBND tỉnh Phú Yên cũng ban hành các quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Nhà máy lọc dầu Vũng Rô có công suất 4 triệu tấn/năm, được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư hồi tháng 11/2007, với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Dự án do liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) làm chủ đầu tư. Kế hoạch ban đầu, dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011.
Cũng liên quan đến dự án, vào năm 2022, nhiều lãnh đạo, cán bộ huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) bị phạt tù do sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Trong đó, có nhiều cán bộ lãnh đạo huyện Đông Hòa như Nguyễn Tài, cựu Chủ tịch UBND huyện; Huỳnh Ngọc Sương, cựu Phó chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Kích, Huỳnh Ngọc Thắng, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện; Nguyễn Kỳ Tổng, cựu Trưởng phòng TN&MT; Lê Văn Hoàng, cựu Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm...
Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô, các bị cáo trên đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước gây thiệt hại hơn 9,2 tỷ đồng.
Cụ thể, những cán bộ trên đã bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu tại địa phương…
Ngoài ra, các cán bộ này đã hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích nuôi thủy sản vượt mức, đứng tên nhiều người khác để nhận tiền cao hơn quy định…
Tranh cãi phí quản lý tại Khu đô thị Vạn Phúc; thu hồi đất Công ty Trung Nguyên